Gia Ly, vừa điều hành hai nhà hàng của gia đình, vừa thực hiện dự án quảng cáo trên Google cho các công ty quy mô nhỏ tại California. Ảnh: Arcamax
Gia Ly đang lên kế hoạch để quảng bá trên mạng cho các hoạt động kinh doanh của gia đình mình, gồm một nhà hàng dành cho người ăn chay và một cửa hàng bánh kếp. Cô gái gốc Việt này cũng đang điều hành Arrow GTP, một trong 13 nhà thầu hợp tác với Google để cung cấp dịch vụ quảng cáo hình ảnh, sử dụng công nghệ tương tự với Google Street View, cho các công ty quy mô nhỏ.
"Ở Little Saigon, các chủ nhà hàng quy mô gia đình không nghĩ đến việc làm marketing, hay làm sao cạnh tranh được với các nhà hàng lớn hơn. Trong khi việc quảng cáo sẽ giúp họ được Google xếp hạng và liệt kê", Gia Ly nói.
Mẹ của Gia Ly là một người phụ nữ Việt nhẹ nhàng và tinh tế, còn bố cô, người điều hành một công ty truyền thông Việt - Mỹ, thì quảng giao hơn. Gia Ly hấp thụ cả hai nền văn hóa này khi thực hiện việc bán ý tưởng về "virtual tour" cho các doanh nhân Việt truyền thống ở Westminster.
"Tôi gặp phải thách thức để thực hiện điều đó. Với các doanh nghiệp quy mô gia đình, marketing là một hạng mục xa xỉ. Nhưng bạn nếu đặt mình vào vị trí của khách hàng, bạn có thể phát đạt hơn", Gia Ly nói.
Nữ doanh nhân 34 tuổi là một điển hình của thế hệ doanh nhân người Việt hiện đại ở California. Những người như Gia Ly được gọi là "thế hệ 1,5", những người Việt đến Mỹ khi còn nhỏ tuổi, trưởng thành với cả văn hóa Mỹ và truyền thống văn hoá Việt.
Thế hệ này có xu hướng nắm giữ vai trò lãnh đạo và hăng hái với các hoạt động của cộng đồng, Linda Vo, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về Châu Á - Mỹ tại Đại học California-Irvine, nhận định.
"Bạn đang thấy điều đó ở Phòng Thương mại Việt - Mỹ. Đó là một thế hệ mới. Trước đây họ không năng nổ trong việc vươn ra bên ngoài phạm vi kinh doanh của cộng đồng người Việt", Vo nói.
Gia Ly là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Fountain Valley, Phòng thương mại Việt - Mỹ đặt tại California, nhiệm kỳ của cô bắt đầu năm nay. Gia Ly là biểu tượng của các nữ doanh nhân ở cộng đồng người Việt tại California, những người đang tăng cường hiện diện và mang động lực thay đổi.
Họ là những phụ nữ vươn ra bên ngoài khuôn mẫu kinh doanh truyền thống của người Việt tại Mỹ như các nhà hàng và tiệm làm móng, để bắt đầu các lĩnh vực mới mẻ hơn, như marketing và tài chính.
Bele Nguyen trong công ty State Farm của cô. Ảnh: Ocregister
Một doanh nhân khác, Bele Nguyen, cho biết mẹ cô đã phải vật lộn để tạo dựng được dấu ấn trong công việc làm ăn. Để kiếm sống, mẹ Bele Nguyen làm công việc buôn bán vải thừa và may quần áo.
Bele Nguyen, 38 tuổi, hiện điều hành State Farm, khách hàng chủ yếu là người Việt. "Bà lao động rất vất vả, bà rõ ràng gây ảnh hưởng tới tôi. Khi có gia đình, bạn phải làm việc cật lực để nuôi sống gia đình mình", cô nói.
Còn Tracy Pham, 36 tuổi, hiện đang điều hành một công ty về thiết kế và giải trí. Cô lớn lên trong một gia đình mà mẹ cô làm nghề sửa móng và làm đẹp. "Bà tích lũy kinh nghiệm chủ yếu nhờ thương trường chứ không được đào tạo chính thống".
"Hầu hết với họ, công việc kinh doanh là thử nghiệm và có thể mắc sai lầm. Còn với chúng tôi, thế hệ trẻ hơn, chúng tôi tính toán kỹ và dài hơn trước khi dấn thân vào. Đó không đơn giản là kỹ năng sống sót, mà là điều chúng tôi học được ở trường", Tracy Pham nói.
Những bà mẹ lặng lẽ, có ảnh hưởng lớn vẫn hiển hiện trong cộng đồng người Việt tại Little Saigon, nhưng có sự khác biệt rõ ràng giữa các doanh nhân thuộc thế hệ mẹ và con gái, chủ yếu về động cơ và phong cách quản lý.
"Điều hành các hoạt động kinh doanh truyền thống có thể đầy áp lực vì chúng cạnh tranh và ít lợi nhuận. Các bà mẹ cổ vũ con gái mình lựa chọn những nghề nghiệp chuyên nghiệp để đầu óc thảnh thơi hơn", phó giáo sư Linda Vo cho hay.