Như ý kiến của cử tri và nhận định của các thành viên đoàn giám sát, tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) là điểm sáng trong chính sách, pháp luật về giảm nghèo...
Hơn 11 năm ra đời và phát triển, Ngân hàng CSXH đã có nhiều nỗ lực huy động, tạo nguồn vốn đảm bảo cho “dòng chảy” vốn tín dụng thông suốt; tạo hiệu quả rõ nét về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội như mục tiêu Chính phủ đề ra.
2,4 triệu hộ thoát nghèo
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết năm 2012 đạt gần 114.000 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với năm 2005 và gấp 8 lần so với thời điểm thành lập Ngân hàng CSXH. Tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách giai đoạn 2005-2012 đạt hơn 199.000 tỷ đồng. Vốn tập trung cho vùng có tỷ lệ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL. Các chính sách tín dụng trực tiếp hộ nghèo thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng CSXH với 15 chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, như: Cho vay theo Nghị quyết 30a, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, cho vay giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL lãi suất 0%; cho vay làm nhà 167 (3%/năm); cho vay hộ nghèo (7,8%/năm)…
ND xã Vân Nham (Hữu Lũng, Lạng Sơn) vay vốn tín dụng chính sách nuôi gia cầm.
Từ 2005 - 2012, gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, trong đó 2,4 triệu hộ thoát nghèo. Đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH…
Sự phát triển bền vững của các chương trình tín dụng chính sách thể hiện ở việc tăng trưởng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng. Nếu như ở thời điểm nhận bàn giao (2003), nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH lên tới 13,7%, đến năm 2013 chỉ còn 0,79%. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xoá đói giảm nghèo và phát triển con người mà trong đó có đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH…”.
Kết quả tích cực đó là nhờ mô hình họat động ưu việt của Ngân hàng CSXH: Ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị-xã hội; hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét đối tượng thụ hưởng công khai, minh bạch và giao dịch tại xã. Mô hình hoạt động này đã tạo sự thuận lợi, đơn giản cho người vay và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri tại 15 tỉnh, thành phố-nơi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc.
Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng chia sẻ: “Mô hình họat động của Ngân hàng CSXH là đặc thù của Việt Nam. Trước đây ta học của Bangladesh về tín dụng vi mô, tổ nhóm; nhưng giờ họ học mô hình của ta. Chính mô hình phù hợp, tổ chức thực hiện tốt, nên người vay trả nợ, trả lãi tốt…”.
Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
Tại buổi làm việc với Ngân hàng CSXH mới đây, ông Đỗ Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách tín dụng giảm nghèo khẳng định: Tín dụng chính sách là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định: Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực; xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua Ngân hàng CSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo; phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…
Theo Ngân hàng CSXH, để thực hiện tốt hơn mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng cần khắc phục những hạn chế. Đó là, tổng vốn tín dụng chính sách chưa đáp ưng được nhu cầu thực tế, nhất là cho vay hộ nghèo. Từ năm 2010 đến nay, Ngân hàng CSXH không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc bố trí chưa kịp thời; một số địa phương đã chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH nhưng tổng nguồn này còn thấp, chưa đến 3% tổng nguồn vốn huy động; hạn mức cho vay tín dụng còn thấp; cho vay SXKD chưa gắn kết tốt với họat động chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn cách làm ăn; một số vướng vắc, khó khăn của chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chưa được các cơ quan chức năng giải quyết… Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, một trong những khó khăn, hạn chế của tín dụng chính sách hiện nay là vốn tín dụng chính sách chủ yếu cho vay trung hạn và dài hạn, trong khi nguồn phần lớn là vốn ngắn hạn…