Dân Việt

Tiền boa ở Mỹ: tranh cãi xuyên thế kỷ

Cạnh tấm gương theo dõi hành khách trên xe có dán một thông báo cho rằng boa là đương nhiên. Một tour vừa rồi, nên boa cho hướng dẫn viên kiêm lái xe ít nhất là 10 USD.
Nhiều du khách sốc vì “văn hoá” tiền boa của Mỹ. Nó được du nhập từ châu Âu từ đầu thế kỷ 19, tới đầu thế kỷ 20, nhiều bang ở Mỹ cấm boa tiền như Washington – bang đầu tiên cấm vào năm 1909, tiếp đó là Arkansas, Iowa, Carolina Nam, Tennessee và Georgia. Nhưng tới năm 1926, lệnh cấm dỡ bỏ, và từ đó văn hoá tiền boa phát triển mạnh khắp nước Mỹ. Hiện Mỹ trở thành xứ sở có lệ tiền boa lớn nhất trái đất. Ông Michael Lynn, đại học Quản lý khách sạn Cornell ước tính nền kinh tế tiền boa ở đây trị giá khoảng 40 tỉ USD, gấp hai lần ngân sách của Nasya!

img

Không nằm trong một điều luật bắt buộc nào, nhưng trong thực tế, ở Mỹ, tiền boa là lệ bắt buộc, và, ở nhiều nơi, còn cao một cách vô lý!

Nếu là lần đầu tới Mỹ, bạn cần quen với việc giá hàng hay thực đơn nhà hàng phải cộng nhiều khoản. Một món salad 8 USD, hoá đơn trên thực tế bao gồm: 8 USD + thuế (có thể lên tới 14% tuỳ bang/thành phố) + chi phí phục vụ (10 – 20% tuỳ nhà hàng) + tiền boa (15 – 25% tổng số tiền của hoá đơn), cuối cùng bạn phải trả đến 12 – 13 USD.

Lý do tại sao boa tiền?
– Để khẳng định địa vị xã hội của mình.
– Để tránh cảm giác tội lỗi.
– Để thưởng cho việc phục vụ tốt.
– Để tăng thu nhập cho người phục vụ.
– Để mua dịch vụ trong tương lai (nếu quay lại).
– Để gây thiện cảm cho người phục vụ.
(theo Michael Lynn)


Trong nhiều lý giải, tiền boa ở Mỹ là để bảo đảm khách hàng được phục vụ tốt nhất. Người Mỹ trung lưu trở lên hài lòng vì cảm giác họ ban phát và ra ân cho người khác. Nhưng cũng có những lý giải có lý hơn, về thực trạng khá thấp của tiền lương cơ bản các ngành dịch vụ.

Như Josh, với mức lương 100 USD/tuần, tương đương với 5 USD/giờ, thậm chí tổng cộng một tháng Josh không thể thuê nổi một căn phòng nhỏ tí tại Los Angeles – khiến ông cùng gần mười người khác phải thuê chung một căn phòng, mỗi ngày đều đạp xe đi làm và sống dựa phần lớn vào đồ ăn nhanh. Theo ước tính, nếu êm xuôi, ông sẽ có thêm 500 USD/tuần nhưng Josh cũng có thể phải chia tiền boa với nhiều người khác. Theo nhiều chuyên gia, tiền boa được coi là thu nhập chính thức của 31 ngành nghề chuyên nghiệp ở Mỹ.

Thực tế, do dân số tăng chậm, việc thuê người nhập cư nước ngoài làm việc gặp phải nhiều luật lệ khắt khe, các nhà hàng của Mỹ rất khó thuê được nhân viên tốt với lương thấp (khoảng 2,3 – 3,5 USD/giờ), nên việc họ đưa ra mức tiền boa trong hoá đơn khách hàng và chấp nhận để nhân viên được nhận cả, hòng có đủ nhân viên!

Tiền boa ở Mỹ vẫn cứ là đề tài tranh luận trên New York Times hay BBC. Đầu năm ngoái, một nhà hàng sushi ở Manhattan ra lệnh cấm tiền boa. Cùng năm, một hoá đơn của AppleBee’s được tung lên mạng có câu “chua” của khách hàng: “Tôi hiến cho Chúa có 10% mà sao tôi phải boa cho mấy người 18%?” Nhân viên của nhà hàng AppleBee’s đưa hình hoá đơn này lên mạng đã bị sa thải sau đó. Còn nước Mỹ lại được phen tranh luận ầm ĩ.

Không phải ở Mỹ ai cũng thoải mái với việc boa tiền. Một cuộc điều tra từ một hãng bán hàng giảm giá tiến hành năm 2013 phỏng vấn gần 2.400 người Mỹ tất cả các bang cho thấy người New York boa tiền hào phóng nhất, với mức lên tới 25% tổng giá trị hoá đơn thanh toán. 67% số người trả lời họ luôn boa tiền khi đi ăn ngoài, nhưng cũng có tới 63% cảm thấy bị ép buộc.

Nhiều nhà hàng Trung Quốc, Âu hay một số hãng du lịch nắm được tâm lý ghét boa của khách Á, Âu... đã “biến” tiền boa thành phí dịch vụ ghi trong hoá đơn, khiến phí dịch vụ lên tới trên 20%.

Còn nếu bạn vẫn cảm thấy khó chịu vì phải boa tiền ở nhà hàng Mỹ, chỉ còn cách mua đồ ăn mang đi!