Sơn Động là một huyện nghèo, trên 80% diện tích đất trồng lúa là ruộng bậc thang.Việc di chuyển máy từ ruộng này sang ruộng khác là rất khó khăn. Khi làm đất, bánh máy cày bị lún, trọng lượng của máy bị dồn về phía sau giàn cày gây khó khăn cho người sử dụng. Giàn cày thì có nhiều khớp nối nên tạo nên độ sai lệch lớn (khoảng 20cm), các khớp nối nhanh hao mòn trong điều kiện bùn đất nên có độ rơ lớn, dễ bị gãy hỏng.
Chiếc máy cày do ông Quỳnh cải tiến.
Hiểu những nhược điểm này, ông Quỳnh đã mày mò nghiên cứu và sáng chế ra giàn máy cày bằng tay với tính năng cơ động cao. Điều đáng nể là máy của ông tận dụng các cấu kiện của giàn máy cũ và sử dụng các phế liệu đã qua sử dụng (ống tuýp, thép chữ U, V, ốc vít…) để chế tạo.
Cách làm của ông là cắt bỏ khớp chính nhằm điều chỉnh lưỡi cày (nông, sâu, phải, trái) dễ dàng hơn.Trên thanh ngang (phần cải tiến chính của giàn cày) được chế tạo để lắp theo cày, lưỡi cày và các bộ phận nông, sâu, sang trái, phải và cố định của lưỡi cày khi vận hành.
Trọng lượng của máy cũng được giảm đáng kể từ 25kg xuống còn 13kg; thích hợp với địa hình ruộng bậc thang và dễ di chuyển ở nhiều địa hình. Máy giúp giảm 50% công lao động, giảm từ 2,5 giờ cày/sào xuống còn 1,5 giờ, tiết kiệm được 0,5 lít nhiên liệu.
Anh Nguyễn Văn Linh, nông dân ở Sơn Động (Bắc Giang) chia sẻ: “Từ ngày có giàn máy cày tay này, tôi vừa đỡ vất vả hơn vừa tăng năng suất lao động.Trước kia, dùng máy cũ thỉnh thoảng lại phải đi sửa, giờ có giàn máy này dùng dễ mà lại ít hư hỏng”.
Từ năm 2008 đến nay, ông Chu Văn Quỳnh đã cải tiến thành công 150 giàn máy cày tay. Các giàn máy cày tay sau khi được cải thiện đều hoạt động tốt, ổn định, ít hư hỏng, năng suất được nâng cao rõ rệt.
Hiện ông có xưởng cơ khí riêng chuyên phục vụ cải tiến máy nông nghiệp, tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình. Với những nỗ lực của mình, ông đã giành giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ V.