Dân Việt

Cảnh sát Nga và liên minh ma quỷ

16/04/2011 07:08 GMT+7
(Dân Việt) - Mặc dù Nga đã thi hành nhiều biện pháp mạnh tay nhằm tẩy rửa những vết nhơ trong lực lượng cảnh sát, song có không ít những người thi hành pháp luật của nước này lại phạm luật với mức độ nghiêm trọng.

Câu kết với sát thủ

Một buổi sáng tháng 9.2006, ông Andrei Kozlov - Phó Giám đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga (RCB), đồng thời là một trong những nhân vật nổi bật về chống tham nhũng tại Nga - rời nhà và đến cơ quan làm việc như thường lệ. Vợ và hai con của ông Kozlov không hề biết rằng đó là lần cuối cùng họ được nhìn thấy chồng và cha mình.

img
Một cảnh sát Nga nhận hối lộ từ tài xế ngay giữa đường.

Khi tài xế riêng chở ông Kozlov chầm chậm đi tìm chỗ đỗ tại trụ sở RCB ở phía bắc thủ đô Mátxcơva, bỗng nhiên hai kẻ lạ mặt xuất hiện, áp sát chiếc xe rồi sau đó nã đạn xối xả vào những người bên trong. Vụ phục kích khiến ông Kozlov, 41 tuổi và người tài xế thiệt mạng tại chỗ. Hai sát thủ sau khi gây án nhanh chân bỏ trốn khỏi hiện trường.

Cuộc phục kích trên chỉ là một trong số hàng chục vụ ám sát nhằm vào các quan chức chống tham nhũng của Nga trong vài năm trở lại đây.

Sau gần 5 năm điều tra rơi vào bế tắc, các công tố viên Nga đã lật lại vụ ám sát Phó Giám đốc RCB, đồng thời đưa ra một số bằng chứng buộc tội một nhóm cảnh sát đã câu kết với hai tay sát thủ để triệt hạ ông Kozlov.

Tờ “Điện tín” của Anh cho biết, cáo buộc trên chính thức được công tố viên đưa ra vào hôm qua (15.4), khẳng định 3 cảnh sát ở Mátxcơva đã bí mật bán dữ liệu từ điện thoại cá nhân của ông Kozlov cho tội phạm.

Các thanh tra viên đã có chứng cớ cho thấy bọn tội phạm đã dựa vào những thông tin mua được để theo dõi lộ trình di chuyển của ông Kozlov, rồi sau đó lên kế hoạch thủ tiêu nhân vật chống tham nhũng hàng đầu này.

Trong thời gian bị điều tra, 3 viên cảnh sát nói trên luôn phủ nhận tội danh, nói rằng một thẩm phán đã cho phép họ được quyền truy cập vào các ghi âm cuộc gọi di động của ông Kozlov. Hiện thẩm phán nói trên cũng đang được chất vấn để làm rõ thêm các tình tiết.

Năm 2008, một doanh nhân thuộc Ngân hàng RCB đã bị tuyên án 19 năm tù sau khi các công tố viên đưa ra bằng chứng về việc ông này đã ra lệnh ám sát ông Kozlov. Trước đó, doanh nhân này đã bị đặt vào vòng ngắm của lực lượng an ninh vì có dấu hiệu rửa tiền. 6 người khác, trong đó có 2 tay súng hạ sát ông Kozlov, đã phải nhận án từ chung thân.

Bán rẻ phẩm chất

Ông Igor Trunov – một luật sư liên quan đến vụ án Kozlov cảnh báo rằng, lời buộc tội đối với 3 cảnh sát trên đã gióng lên hồi chuông báo động đối với thực trạng tha hóa trong lực lượng cảnh sát Nga.

Trả lời Tạp chí Vzglyad, ông Trunov nhấn mạnh: “Tham nhũng và sự dính líu của những nhân viên công lực trong các hoạt động bất hợp pháp đang ngày càng gia tăng. Trong bất cứ vụ án nào cũng thấy xuất hiện bóng dáng của cảnh sát biến chất, cam tâm bán rẻ lương tâm, phẩm chất cho tội phạm”.

Cảnh sát tham nhũng, đòi hối lộ ở Nga xuất hiện ngày càng nhiều, từ việc vòi tiền lái xe vi phạm giao thông cho đến việc ra điều kiện để tha một ai đó khi họ phạm pháp. Mới đây, một cảnh sát Nga đã bị bắt vì đòi hối lộ từ một cơ sở mai táng để đổi lấy thông tin về những người… mới chết.

Tổng thống Nga coi việc “tẩy rửa” lực lượng công lực là nhiệm vụ quan trọng bởi liên quan mật thiết đến an ninh của Nga, cũng như góp phần ngăn chặn hiện tượng tha hóa, tham nhũng của cảnh sát. Theo thống kê, kể từ ngày 7.5.2008 đến nay gần như tuần nào cũng có quan chức cao cấp hoặc nhân viên Chính phủ bị sa thải hoặc bị tống giam, xét xử vì liên quan tới tham nhũng.

Để ngăn chặn tình trạng tha hóa, biến chất trong hàng ngũ cảnh sát, Chính phủ Nga đã đưa ra những biện pháp được xem là mạnh tay, đặc biệt là hàng loạt vụ cách chức những nhân vật trọng yếu trong ngành an ninh.

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Nga D.Medvedev đã ký quyết định sa thải Phó Giám đốc Cơ quan An ninh LB Nga (FSB), Tướng V.Ushakov, vì phạm sai lầm trong công tác và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Nhiều người cho rằng, việc tổ chức sinh nhật xa hoa (chi hơn 100.000USD) chỉ là một trong những vi phạm đạo đức của ông Ushakov, bởi tướng an ninh Nga từng có các cuộc đi săn ở châu Phi, thậm chí còn để lộ thông tin về cuộc điều tra những tổ chức đánh bạc bất hợp pháp ở thủ đô Mátxcơva.

Năm 2010, Tổng thống Medvedev đã thẳng tay cách chức 3 tướng thuộc Bộ Nội vụ sau khi xảy ra vụ 4 sĩ quan bộ này ngang nhiên bắt cóc dân thường giữa thanh thiên bạch nhật vì lý do cá nhân. Nhằm chỉnh trang lại hình ảnh của cảnh sát Nga, Tổng thống Medvedev cũng đã phê chuẩn Bộ luật Cải tổ lực lượng cảnh sát (có hiệu lực từ 1.3.2011).