Dân Việt

Hơn 345.000 lao động được dạy nghề

17/04/2011 10:08 GMT+7
(Dân Việt) - Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 đặt rất nhiều mục tiêu rõ ràng về số lao động được đào tạo, tỷ lệ có việc làm..., việc triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg hiện đang hướng tới việc cụ thể hoá các hoạt động, các mô hình để nông dân có việc làm, có thu nhập tốt.

Đó là vấn đề được Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ đặt ra trong cuộc họp sơ kết 1 năm triển khai đề án này, diễn ra ngày 15.4, tại Hà Nội với sự tham gia đề đạt ý kiến trực tuyến từ các địa phương…

img
Lao động nông thôn học nghề tại Trường Trung cấp nghề An Dương (Hải Phòng).

Dạy nghề cũng phải…cam kết

Báo cáo đề dẫn, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó ban chỉ đạo T.Ư cho hay, trong 3 mục tiêu chủ đạo triển khai Đề án năm 2010 có 2 mục tiêu đã được “lượng hoá” là: Dạy nghề cho 400.000 lao động nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo (cơ chế hưởng theo Quyết định 1956/QĐ-TTg) và thí điểm đặt hàng dạy nghề 18.000 lao động nông thôn cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, dân tộc thiểu số và nông dân mất đất).

Các mô hình thí điểm, Bộ LĐTBXH thực hiện theo mô hình “đặt hàng có cam kết”. Các lớp học đều có sự đỡ đầu của các doanh nghiệp và có cam kết tạo việc làm cho lao động sau khi thành nghề. Trong 1 năm qua, đã có hơn 345.000 lao động được dạy nghề, 70% trong số này có việc làm sau khi học và thu nhập tăng 1,5-2 lần so với trước khi được học nghề.

Theo ông Bùi Đức Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, sự cam kết này rất chi tiết, như: Lao động học nghề phi nông nghiệp xong đi làm không hưởng lương học việc nữa mà là lương lao động chính thức. Còn với lao động học nghề nông nghiệp thì phải đảm bảo có phương tiện sản xuất và có các phương án tăng năng lực sản xuất sau học nghề. Ví dụ như: Sản xuất thuỷ sản phải có ao, hồ và có quy hoạch phát triển thuỷ sản địa phương.

Kết quả khảo sát tại Nam Định cho thấy, 85% lao động có việc làm và thu nhập sau học nghề. “Tuy nhiên, mức thu nhập còn chưa cao”- ông Long chia sẻ.

Tỉnh Lào Cai cũng có cam kết tay ba giữa địa phương, doanh nghiệp và lao động. “Doanh nghiệp sẵn sàng tạo điều kiện thực tập, chi phí ăn trưa và sẵn sàng hỗ trợ chi phí dạy nghề thêm nếu nghề đó chi phí cao hơn mức quy định” - ông Trịnh Quang Trinh - Giám đốc Sở LĐTBXH Lào Cai nhấn mạnh. Năm 2010, Lào Cai đã dạy nghề cho khoảng 1.000 lao động theo phương thức này. Toàn bộ số lao động này đã được nhận vào các dự án kinh tế trên địa bàn.

Dạy nghề nông nghiệp gắn với khởi sự kinh doanh

Trăn trở về việc làm cho nông dân học nghề nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Rất khó “đong đếm” được hiệu quả tạo việc làm khối nông nghiệp. Tại nhiều lớp học, nông dân sau học nghề vẫn lúng túng khi tổ chức sản xuất kinh doanh. Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác triển khai là phải chú trọng tới hoạt động này trong kế hoạch năm 2011.

Hội nghị sơ kết trực tuyến của Chính phủ lần này đưa nhiều ý kiến của nông dân - những người học nghề. Ông Phan Quốc Sơn, thôn Tân Trung (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) khẳng định: “Đó là kỹ năng chúng tôi rất cần vì biết kinh doanh mới phát triển được nghề, nâng cao thu nhập”.

Từng nuôi trồng nấm 10 năm, ông Sơn có rất nhiều kinh nghiệm trồng nấm nhưng cũng chỉ phát triển được 2 nhà nấm, thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Nhưng khi học nghề, có mối liên hệ với nhiều trại nấm khác, ông Sơn đầu tư làm thêm 3 nhà nấm, treo 50.000 bịch phôi, thu nhập đạt 120 triệu đồng/năm.

Ông Sơn nói: “Tôi và bà con mong muốn được hỗ trợ không những về mặt kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm, mà còn tiếp cận được thị trường, phát triển nhiều loại nấm có giá trị cao. Những vấn đề này nên đưa vào nội dung dạy học để nông dân hiểu hơn về thị trường, vốn, lao động…”.

Tại Hội nghị sơ kết, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Đào Xuân Học cho biết, liên bộ đang triển khai Thông tư 66 triển khai thực hiện cấp thẻ học nghề cho nông dân. Theo đó, sẽ có 3 loại thẻ gồm: Thẻ màu đỏ: Mức chi tối đa 3 triệu đồng, thẻ màu xanh tối đa 2,5 triệu đồng, thẻ màu vàng, mức tối đa 2 triệu đồng. Sẽ có 4 bước thực hiện cấp thẻ, trong đó người lao động lựa chọn nghề học và đăng ký nhận thẻ với UBND xã, xã tổng hợp báo cáo với huyện để gửi Sở LĐTBXH đề nghị cấp thẻ. Thẻ có giá trị 2 năm, người lao động có thể học bất cứ đâu họ muốn. Hiện, thẻ đang chi trả dạy 25 nghề ở 4 nhóm lĩnh vực đào tạo.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều cho biết, trong công tác tuyên truyền, Hội rất chú trọng tới thông tin về thị trường, khởi sự doanh nghiệp. Hiện, hệ thống trường nghề, trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề về quản lý trang trại.

“Tuy nhiên, kiến thức kinh doanh chỉ là một phần, quan trọng nhất là vốn. Học nghề nông nghiệp xong, nhiều nông dân phát triển trang trại nhưng chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng (không thế chấp). Để khuyến khích nông dân làm nghề, nâng cao thu nhập từ nghề đã học, cần hỗ trợ mạnh hơn nữa về vốn…”.

Bên cạnh việc thiếu kết nối giữa dạy nghề, khởi sự làm nghề, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân còn thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm còn trăn trở khi triển khai Đề án 1956 như: Công tác tuyên truyền còn chưa đủ mạnh, điều tra nhu cầu học nghề cơ bản chậm, chưa sát với thực tế.

Giáo viên và người dạy nghề thiếu, kỹ năng dạy học cho nông dân còn hạn chế. Vì vậy, chỉ tiêu dạy nghề năm 2010 mới đạt 86,3% kế hoạch, đặt hàng dạy nghề mới đạt 50% do không tuyển sinh đủ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chưa ban hành được tiêu chí giám sát, đánh giá đề án…