Dân Việt

Chờ vốn để tái canh cà phê

Hồ Hương 06/05/2014 08:58 GMT+7
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ dành 12.000 tỷ đồng vốn ưu đãi để cho vay tái canh cây cà phê với các điều kiện tín dụng mở. Hiện nay, 30% trong số 500.000ha cà phê già cỗi đang chờ vốn để được thay mới.
Tắc vì vốn

Gói tín dụng ưu đãi cho vay tái canh cà phê có nhiều ưu đãi, chẳng hạn lãi suất vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 2%, nông dân và doanh nghiệp được vay 70% trên tổng mức đầu tư, không phải trả nợ gốc trong quá trình cà phê kiến thiết cơ bản (3 năm), thời gian hoàn vốn 7 năm… Với những hứa hẹn đó, tưởng như nguồn vốn tái canh cây cà phê dễ được khơi thông. Song, thực tế không dễ như mong muốn.

Vườn ươm cây cà phê phục vụ tái canh ở huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Vườn ươm cây cà phê phục vụ tái canh ở huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Đại Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) cho biết, công ty đang gặp khó khăn trong việc tái canh diện tích cà phê già cỗi với nguyên nhân chính là vốn đầu tư chưa có. Đơn vị mới chỉ tái canh được hơn 100ha trong tổng số gần 300ha cà phê già cỗi.

Trong khi đó theo thống kê, hiện 30% diện tích cà phê của khu vực Tây Nguyên, tương đương hơn 120.000ha đang bị già cỗi, cho năng suất rất thấp. Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai gói tín dụng ưu đãi cho tái canh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên là 10.000 tỷ đồng giai đoạn từ tháng 6.2013 đến năm 2016. Thế nhưng đến nay, mới có 2 chi nhánh Agribank Đăk Lăk và Lâm Đồng ký hợp đồng và giải ngân cho vay tái canh cà phê được 252 tỷ đồng (trong đó Đăk Lăk được 110 tỷ đồng, còn lại là của Lâm Đồng).

Agribank sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn

Tiến trình tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên đang diễn ra rất chậm mà theo phản ánh do gặp khó khăn về vốn. Nhưng gấp khúc nào khiến cho vốn khó đến với bà con, doanh nghiệp trong khi các cơ chế về vốn hỗ trợ lại không hề thiếu và cam kết của cơ quan quản lý cũng đầy đủ? Các lý do vẫn được đưa ra: Các khâu thủ tục tiếp cận vốn rất rườm rà; phải có xác nhận diện tích cà phê đủ điều kiện tái canh; chỉ những diện tích cà phê nằm trong khu vực quy hoạch tái canh, bảo đảm thời gian luân canh, cải tạo đất ít nhất 2 năm trở lên, giải ngân vốn theo tiến độ…

Đến nay, mới có 2 chi nhánh Agribank Đăk Lăk và Lâm Đồng ký hợp đồng và giải ngân cho vay tái canh cà phê được 252 tỷ đồng.

Các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa tiến hành quy hoạch, xác định cụ thể diện tích từng vùng cà phê nằm trong khu vực diện tích cần tái canh.

Các cơ quan chức năng cũng chậm trong việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sắp hết hạn để thuận lợi trong quá trình vay vốn cũng như tổ chức sản xuất của các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê.

Ông Nguyễn Minh Trung - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết: Nhiều hộ nông dân vướng mắc trong xin cấp quyền sử dụng đất nên rất khó để có sổ đỏ thế chấp vay vốn.

Agribank vừa ra thông báo yêu cầu sở giao dịch, các chi nhánh loại I, loại II tập trung nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ kịp thời cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Lãnh đạo Agribank cho biết, xác định tín dụng cà phê là chương trình trọng tâm 2013-2015, ngân hàng đã nỗ lực hết sức để chủ động cùng với chính quyền, nhân dân bắt tay vào thực hiện. Các chi nhánh ngân hàng khảo sát từ đó xây dựng bản đồ chi tiết tái canh cà phê đến từng đơn vị hành chính, thôn bản. Trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc, sẽ có đề xuất để thay đổi giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.