Dân Việt

Hàng Trung Quốc sẽ từ từ giảm lượng…

Gia Vinh (Thế giới Tiếp thị) 23/05/2014 07:10 GMT+7
Nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị bán lẻ hàng điện máy – kỹ thuật số đang từng bước nói “không” với những nhãn hiệu Trung Quốc “chưa thuộc về toàn cầu”.
Khảo sát nhóm hàng điện máy mà Trung Quốc đang có thế mạnh hiện nay, nhiều nhà bán lẻ xác nhận, hiện nay vẫn còn nhiều mặt hàng của những nhà sản xuất Trung Quốc không mấy tên tuổi xuất hiện trên quầy của họ. Tuy nhiên, nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị bán lẻ hàng điện máy – kỹ thuật số đang từng bước nói “không” với những nhãn hiệu Trung Quốc “chưa thuộc về toàn cầu”.

Hiện nay, nhóm hàng phụ kiện dành cho smartphone và laptop chủ yếu là sản phẩm của các nhãn hàng “không có tên tuổi” từ bên Trung Quốc tràn sang. Thế mạnh của nhóm hàng này  là giá rẻ. Ảnh: Minh Phúc
Hiện nay, nhóm hàng phụ kiện dành cho smartphone và laptop chủ yếu là sản phẩm của các nhãn hàng “không có tên tuổi” từ bên Trung Quốc tràn sang. Thế mạnh của nhóm hàng này là giá rẻ. Ảnh: Minh Phúc

Theo nhu cầu của khách hàng

Cũng như nhiều nhà bán lẻ, hệ thống bán lẻ hàng điện máy BK Computer có một đội ngũ nhân viên để tìm kiếm những mặt hàng mới lạ, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Theo ông Nguyễn Cảnh Hiền, giám đốc kinh doanh của BK Computer, có những nhân viên kỹ thuật chuyên kiểm định chất lượng của những mặt hàng trước khi được nhập về Việt Nam.

“Dù đặt mục tiêu lợi nhuận nhưng BK Computer chỉ nhập những mặt hàng của các công ty có tên có tuổi hẳn hoi để đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhóm khách hàng có thu nhập thấp như lao động phổ thông, sinh viên…, còn về chế độ hậu mãi, chúng tôi cam kết thực hiện cho khách hàng”, ông Hiền giải thích thêm.

Được biết, nhóm hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc xuất hiện tại hệ thống BK Computer chỉ chiếm 2% doanh số, khoảng 10% về số lượng, chủ yếu là nhóm hàng linh kiện: tai nghe, loa, chuột máy tính, pin sạc dự phòng…

Tại các hệ thống bán lẻ hàng kỹ thuật số như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, FPT Shop… nhóm hàng linh kiện cũng phần lớn có xuất xứ từ các doanh nghiệp nhỏ bên Trung Quốc. Một nhân viên bán hàng của FPT Shop cho biết, với nhóm hàng linh kiện, “hàng của những nhãn hàng không tên tuổi nhưng xài cũng được”. Còn tại Viễn Thông A, theo lời nhân viên bán hàng tại đây, tất cả đều là hàng của những công ty “không tên tuổi” có giá rẻ, phù hợp với thu nhập của nhiều khách hàng.

Cách đây hai năm, trung tâm mua sắm Nguyễn Kim là hệ thống bán lẻ đầu tiên đã mạnh dạn tuyên bố “không bán những sản phẩm không tên tuổi (no-name)”. Không nói thẳng nhưng cũng hiểu, “no-name” là những sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc có chất lượng kém! Ông

Lê Phạm Anh Thy, giám đốc tiếp thị của Nguyễn Kim cho biết thêm, vì phục vụ cho nhiều đối tượng nên hệ thống vẫn còn phân phối một vài nhãn hàng nhỏ của Trung Quốc như Pensonic… với những mặt hàng có giá trị thấp: bình đun nước nóng, bàn ủi, máy đánh trứng.

Nói “không” có chọn lọc

Theo lời của một phụ trách siêu thị điện máy, trước đây chỉ có vài người hỏi về nguồn gốc xuất xứ nhưng nay, tần suất hỏi cao hơn, có ngày ai cũng hỏi “hàng này sản xuất ở đâu”. Khi được biết danh tính của nhà sản xuất ở Trung Quốc “không được lớn lắm”, họ đã trả hàng, chuyển sang nhóm hàng của các doanh nghiệp Đài Loan, Singapore…

Theo quan sát của ông Cảnh Hiền, vì nhóm khách hàng trẻ biết phân biệt đâu là hàng Trung Quốc có chất lượng “toàn cầu”, đâu là hàng có chất lượng “địa phương” nên thái độ dị ứng với hàng Trung Quốc của nhóm khách hàng này có phần nhẹ nhàng hơn.

Nói “không” một cách triệt để với hàng Trung Quốc như nhiều khách hàng đã từng tuyên bố trên các mạng xã hội sẽ là một thách thức lớn với những nhóm lao động có thu nhập thấp.

“Khách hàng có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất và chất lượng của những sản phẩm cấp thấp, nhưng họ phải mua vì túi tiền của họ chỉ cho phép lựa chọn những mặt hàng đó”, ông Cảnh Hiền bình luận.

“Tại sao chúng tôi còn phân phối những thương hiệu này? Vì người tiêu dùng trong nước đã lựa chọn nhãn hiệu này từ nhiều năm nay. Dù là nhãn hiệu nhỏ nhưng theo phòng kỹ thuật, chất lượng của những nhãn hiệu này đã được kiểm định ở mức chấp nhận được, kèm theo chính sách hậu mãi như bảo hành, bảo trì”, ông Thy của Nguyễn Kim giải thích thêm.

Trong tuần qua, trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, nhiều nhà sản xuất nhóm hàng điện tử, kỹ thuật số, điện thoại di động… trong nước có đặt hàng gia công với các đối tác bên Trung Quốc cho biết, lượng hàng bán ra vẫn đang ổn định. Nhưng tâm trạng của các nhà sản xuất này lại đang hoang mang nhiều lẽ.

Trước hết, điều mà họ tiên liệu sẽ xảy ra là thái độ bài trừ hàng Trung Quốc như là cách thể hiện “lòng yêu nước” sẽ càng mạnh mẽ hơn. Tiếp theo, hiện trên thị trường, các thương hiệu lớn thuộc diện “toàn cầu” cũng đang “đánh mạnh” ở phân khúc giá thấp. Cộng vào đó, các thương hiệu trong nước đang rục rịch chuẩn bị những chiến lược tiếp thị với khẩu hiệu: hàng Việt chất lượng cao, từ việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, giá cả kèm theo những chính sách hậu mãi hấp dẫn…

Thái độ chấp nhận dễ dãi của người tiêu dùng từ nhiều năm nay đã làm hàng kém chất lượng từ bên Trung Quốc thao túng thị trường trong nước. Người tiêu dùng ham rẻ. Nhà nước ham thu thuế mà lơ là chiến lược phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp trong nước buộc phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh với hàng rẻ từ Trung Quốc tràn qua… Cần xốc lại một diện mạo mới cho ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa.