Dân Việt

Điện khí hóa nông thôn: “Nặng” nỗi lo về vốn

Phương Anh 12/05/2014 11:25 GMT+7
Để đạt mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đến trung tâm xã và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện là cả một gánh nặng về vốn...
Điện về nông thôn là lỗ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo lộ trình, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tổng kinh phí đưa điện vào vùng nông thôn và khu vực chưa có điện xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA chiếm 85% vốn đầu tư, chủ đầu tư tự cân đối 15%. Tuy nhiên, hiện nay "chưa có một đồng nào" của ngân sách chi cho việc này.

Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Nhé.
Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Nhé.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), khi thực hiện đầu tư Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ lỗ 50 triệu USD. Tuy nhiên, với sự cam kết của Chính phủ, EVN cũng đã tiếp cận và làm việc với các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức quản lý và tăng cường lực lượng để đảm nhận vai trò chủ đầu tư. Tổng số vốn vay ODA mà các tổ chức quốc tế cam kết có giá trị gần 2 tỷ USD là cho chương trình điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam.

Trong 15 năm qua, EVN còn thực hiện trách nhiệm đưa điện tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Tổng số vốn đầu tư là 5.356 tỷ đồng theo cơ chế đặc biệt của Chính phủ, trong đó vốn ngân sách cấp 85% (4.600 tỷ đồng) và vốn của EVN 15% (756 tỷ đồng).

Đồng thời, EVN còn tiếp nhận, quản lý và vận hành lưới điện trung áp và hạ áp nông thôn, chủ động đưa người xuống các xã giúp củng cố, chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, giảm tổn thất điện năng, giảm giá bán điện đến hộ dân nông thôn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá: "Thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn thời gian qua có đóng góp quan trọng của EVN và các công ty điện lực. Với vai trò nòng cốt, EVN và các đơn vị không chỉ đầu tư, mở rộng các dự án nguồn và lưới điện truyền tải, mà còn tích cực đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, trong điều kiện nguồn vốn hết sức khó khăn".

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ đảm bảo được mục tiêu có điện, còn chất lượng cung cấp điện, độ an toàn cho lưới điện và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đối với các khách hàng nông thôn chưa được đảm bảo. Vì vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục phát triển lưới điện hiện có của ngành Điện Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của EVN và các đơn vị thành viên.

"Cần nhiều bàn tay"...

Mặc dù điện về nông thôn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và dù EVN không đặt ra câu chuyện lãi lỗ khi phải đi vay vốn để đầu tư nhưng mọi chuyện cũng không dễ dàng.

Tính đến cuối năm 2013, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã (chiếm 84,57%) và 13,40/16,23 triệu hộ nông thôn (chiếm 82,59%), với tổng số 20,899 triệu khách hàng sử dụng điện.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, chương trình điện khí hóa nông thôn thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước mắt, khoảng 12.000 thôn bản chưa có điện và các thôn bản có chất lượng điện năng quá kém đều là những khu vực đặc biệt khó khăn về địa hình, giao thông, mật độ dân cư thưa thớt, suất đầu tư cấp điện nông thôn rất cao.

Hiện nay, hầu hết lưới điện nông thôn trong cả nước đã và đang bàn giao cho EVN quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp tới hộ dân. Mặc dù nhiều nơi đã có điện, nhưng cũng thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện đòi hỏi chi phí lớn, hiệu quả tài chính thấp.

Thứ trưởng Lê Dương Quang khẳng định: Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta sẽ phải cần "rất nhiều bàn tay". Bên cạnh những giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, cần có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của Chính phủ, công tác điều phối của Bộ Công Thương, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, sự đồng thuận của nhân dân và sự chủ động, tích cực của ngành điện. Đồng thời, giai đoạn 2014 - 2020, cũng rất cần sự giúp đỡ của các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng quốc tế, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ điện khí hóa nông thôn.

Để quá trình điện khí hóa nông thôn được triển khai sâu rộng và mạnh mẽ, EVN cần tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương các cấp và người dân, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng...