Dân Việt

Cầm chừng

18/04/2011 15:47 GMT+7
(Dân Việt) - Việc Nga đã xuôi xuôi xem xét đề nghị của NATO cùng tham gia xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở châu Âu sau Hội nghị cấp cao NATO - Nga năm ngoái ở Lisbon (Bồ Đào Nha) được coi là sự khởi đầu mới cho mối quan hệ này.

Vậy mà ở Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO - Nga tại Berlin (Đức) tuần qua, giữa NATO và Nga lại bộc lộ bất đồng quan điểm nhiều hơn là cùng quyết tâm và chí hướng trong việc triển khai thực hiện kế hoạch này.

Những gì mà Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov nêu ra ở hội nghị chẳng khác gì đặt điều kiện mới đối với NATO và khiến NATO không thể không nhìn nhận như một bước thụt lùi so với bản tuyên bố ý định ở Lisbon năm ngoái.

Chẳng hạn như ông Lavrov tuyên bố Nga không muốn có hệ thống phòng thủ mới ở Đông Âu, không muốn sự cân bằng chiến lược bị ảnh hưởng và nếu có hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Đông Âu thì phải phân chia thành khu vực do NATO kiểm soát và khu vực do Nga chỉ huy. Nói như thế chẳng khác gì làm khó NATO trên thực tế đến mức NATO không thể thực thi được kế hoạch này.

Cả việc NATO không đáp ứng điều kiện của Nga lẫn việc Nga nhắc lại những điều kiện ấy đều là cách hai bên cầm chừng nhau và hai bên cầm chừng nhau như vậy vì sự nghi ngại lẫn nhau vẫn lấn át sự tin cậy.

NATO vẫn phòng ngừa việc Nga chấp nhận tham gia kế hoạch này để cản phá từ bên trong nhiều hơn là để cùng thực hiện. Nga vẫn kiên quyết cản NATO đặt Nga trước những sự đã rồi. Việc Nga cho rằng NATO đã đi quá sự cho phép của HĐBA LHQ trong cuộc chiến tranh ở Libya cũng là một bằng chứng về sự lo ngại của Nga đối với NATO.

Một khi cả NATO lẫn Nga đều sử dụng việc này làm một con chủ bài về chính trị trong mối quan hệ song phương thì việc cả hai bên cầm chừng nhau như thế gần như là đương nhiên rồi. Cặp quan hệ này trong thực chất chưa được như đã biểu hiện ra bên ngoài.