Thời gian tới, để tăng cường mối quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực lâu dài giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào đầu tư, tìm hiểu.
Hỗ trợ mọi mặtTheo UBND TP.Cần Thơ, thời gian qua, đã có nhiều DN từ Hongkong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Mỹ đầu tư vào thành phố. Riêng Nhật Bản có 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,192 triệu USD. Thời gian tới, TP.Cần Thơ sẽ ưu đãi các DN Nhật Bản về lãi suất, quan hệ tín dụng, đền bù giải phóng mặt bằng, thuê đất, kinh phí tham gia xúc tiến đầu tư, thông tin tuyên truyền…
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến, đầu tư thương mại và du lịch sẽ làm đầu mối tiếp nhận và phản hồi cho các DN Nhật Bản. Về việc thu hút đầu tư từ DN Nhật Bản, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, nhận định: “Đối với DN Nhật Bản, Cần Thơ mong muốn hợp tác để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông- thủy sản, trái cây và cung ứng dịch vụ nông nghiệp”.
Theo ông Huỳnh Thế Phiên- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp thì: “Ngoài việc hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng trong việc phát triển kinh tế, UBND tỉnh Đồng Tháp muốn xây dựng chương trình hợp tác lâu dài với Nhật Bản để góp phần tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN Nhật Bản hợp tác kinh doanh và đầu tư”.
“Thời gian tới, các tỉnh, thành trong vùng sẽ có chính sách hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp bởi đây là vùng nông nghiệp lớn nhất của nước ta” - ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết.
Ông Yasuzumi Hirotaka- Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Có nhiều cơ hội cho DN Nhật Bản đầu tư vào vùng ĐBSCL bởi vùng này có tiềm năng rất lớn. Cụ thể, vùng đa dạng về các mặt hàng nông- thủy sản, giá đất và nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông đang được cải thiện và đầu tư mạnh, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy kết nối các tỉnh với nhau, kể cả TP.Hồ Chí Minh. Lĩnh vực đầu tư hứa hẹn nhất cho vùng ở thời điểm hiện tại là công nghiệp chế biến trên cơ sở tận dụng tối đa các mặt hàng gạo, trái cây, tôm, cá”.
Tăng cường quảng bá, mời gọi
Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ về kết quả Hội thảo “Môi trường đầu tư và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa ĐBSCL và Nhật Bản” và chuyến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư của 26 tập đoàn kinh tế lớn Nhật Bản từ ngày 21 -23.4.
Theo đó, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 122 dự án được chuẩn bị để mời gọi. Phía các DN Nhật Bản cũng nêu ý kiến muốn tập trung đầu tư vào vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
|
Ông Yasuzumi Hirotaka cũng nhận định: “ĐBSCL cần phải làm nhiều hơn nữa
để thu hút đầu tư bởi nó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt chứ không tự
nhiên mà đến. 13 tỉnh, thành cần đoàn kết thành một thể thống nhất để
hành động đạt hiệu quả. Hơn nữa lãnh đạo vùng cần nâng cao nhận thức,
nắm bắt kịp thời nhu cầu đầu tư và xu hướng chuyển dịch đầu tư hiện nay
trên thế giới để có chiến lược phù hợp và nắm bắt cơ hội. Các công ty
hay nhà đầu tư chỉ quan tâm đến 1 tỉnh hay 1 vùng khi mà lãnh đạo các
tỉnh hay vùng đó có những hành động thiết thực và hiệu quả”.
Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ, cho biết: “Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, vùng ĐBSCL vẫn còn đứng trước khó khăn, thách thức. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chưa mang lại giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh thấp. Lực lượng lao động dồi dào nhưng thiếu đội ngũ có tay nghề…Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của lãnh đạo và DN các địa phương trong thời gian tới”.
“Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa BCĐ Tây Nam Bộ và Ủy ban Hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản (Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản – JCCI) vừa ký vào cuối tháng 4 vừa qua, chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển vùng ĐBSCL của Đảng và Nhà nước ta về việc ưu tiên đầu tư phát triển vùng ĐBSCL trở thành trung tâm lớn về sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, xây dựng một số khu kinh tế cửa khẩu, các cảng biển, cảng sông, cảng hàng không lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông huyết mạch mang tính liên vùng cũng là cơ sở để vùng ĐBSCL và các DN Nhật Bản tiếp tục hợp tác trong tương lai gần” – ông Quang nói.