Khu chuồng rắn hổ mang của anh Hồng hiện đang nuôi khoảng 600 con rắn. Để có được kết quả như vậy, anh Hồng đã trải qua rất nhiều khó khăn và thất bại. Là một nghề khá mới mẻ và đòi hỏi sự mạo hiểm, anh Hồng đã đi nhiều tỉnh, tham quan nhiều mô hình để học hỏi kinh nghiệm.
Anh bắt tay vào nghề từ năm 2010 với 65 con rắn giống và tìm hiểu kỹ các điều kiện cấp phép nuôi, buôn bán động vật hoang dã để đăng ký nuôi hợp pháp. Thời điểm đó, giá con giống lên tới 700.000 đồng/con, do anh vẫn bỡ ngỡ về kỹ thuật chăn nuôi nên rắn mắc bệnh và chết nhiều, 50 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu gần như mất trắng. Chị Nguyễn Thị Hương - vợ anh Hồng tâm sự: “Số tiền đó chúng tôi vay ngân hàng để đầu tư nên gia đình cũng rất lo, nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi nên tôi cũng phải theo chồng”.
Rút ra bài học từ lần đầu thất bại, thay vì mua những con rắn có kích cỡ lớn về nuôi, anh Hồng chuyển sang mua những con rắn nhỏ và áp dụng cách nuôi gối. Rắn giống được mua từ Hà Nam và Vĩnh Phúc, loại rắn hổ mang đen và trắng được người dân nuôi phổ biến vì chúng dễ thích nghi với môi trường.
Thức ăn của loài rắn chủ yếu là cóc giá 40.000-50.000 đồng/kg, trung bình lượng thức ăn cho 1kg rắn là 7kg mồi. Để tiết kiệm chi phí, anh Hồng cho đàn rắn làm quen với nguồn thức ăn rẻ hơn là gà, vịt hỏng từ các trang trại. Sau 2 năm, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con và có thể xuất bán.
Anh Hồng cho biết, nuôi rắn đòi hỏi kỹ thuật cao, từ việc chọn con giống đến việc điều chỉnh thuốc phòng bệnh khi thay đổi thức ăn và thời tiết. Nhưng cái khó không phải là kỹ thuật, mà là thị trường. Gần đây thị trường rắn đột nhiên xuống giá, trước đây mỗi đợt rắn bán ra đạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, nhưng giờ giảm xuống còn 500.000-600.000 đồng/kg.
Gặp phải khó khăn như vậy, không ít hộ gia đình đã phải bỏ nghề để chuyển sang nuôi con khác, nhưng anh Hồng vẫn kiên trì theo đuổi nghề, có những bước phát triển mới, cải thiện được cuộc sống gia đình rõ rệt.
Trong quá trình nuôi rắn, anh Hồng không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại của những gia đình khác, tìm tòi từ sách báo, tài liệu. Nhờ vậy, từ lần nuôi thứ 2 anh đã áp dụng thành công kỹ thuật tự cho rắn cái ấp nở và tạo được những giống có chất lượng cao. Trong nhà anh hiện có 17 thùng nuôi rắn, mỗi thùng có 25-30 con, mỗi tháng thu lãi từ 5-7 triệu đồng. Gần đây nhất, anh bán được hơn 1 tạ rắn sau 1,5 năm nuôi, thu về 130 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Mật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Việt cho biết: “Anh Hồng là người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào chăn nuôi rắn. Từ mô hình nuôi rắn của anh Hồng, chúng tôi sẽ vận động hội viên đến tham quan học tập kinh nghiệm để từng bước nhân rộng".
Hiện nay, những người bắt đầu làm nghề nuôi rắn đều đến nhà anh Hồng học hỏi kinh nghiệm, 2 mô hình nuôi ở xã Cẩm Chế đã thành công nhờ việc trao đổi này.