Theo các cụ nghệ nhân trong làng cho biết, ca trù xuất hiện ở vùng Chanh Thôn đầu thế kỷ XIX. Những năm 1937-1944, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán ở vùng Bắc Bộ. Và cũng từ bấy đến giờ đã xuất hiện không ít đào nương mặn mà với giọng hát đắm say lòng người, nức tiếng cả vùng văn hóa rộng lớn.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu (trái) và bà Nguyễn Thị Ngoan tập một làn điệu ca trù. |
Nhưng có lúc ca trù Chanh Thôn đã chững lại, giống “như một nàng tiên ngủ vùi trong giấc mộng dài”, chỉ thi thoảng mấy nghệ nhân còn hát cho nhau nghe trong niềm nhớ tiếc khôn nguôi. Ca trù Thanh Thôn chìm vào im lặng, mãi cho đến năm 2007, nghĩa là sau 5 năm, mới được “khởi động” trở lại.
Năm 2006, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho 3 cụ trong làng là cụ Vũ Văn Khoái, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khiếu, đồng thời công nhận nghệ thuật hát ca trù làng Chanh Thôn là địa chỉ văn hóa dân gian của Hội.
Bà Nguyễn Thị Ngoan day dứt: “Bây giờ rất hiếm hoi người biết nghe và biết thưởng thức ca trù. Người ta quá thờ ơ và lạnh lùng với văn hóa truyền thống, ca trù cũng đang thu hẹp trước sức ép của văn hóa ngoại nhập. Mà cũng phải, làng tôi có nghề làm gỗ, mỗi buổi đi làm họ được trả 100.000 đồng, trong khi mỗi lần đi hát ca trù chúng tôi chỉ trả họ có 5.000 đồng, thử hỏi họ lấy gì mà sống?”.
Cụ Nguyễn Thị Khướu, năm nay 86 tuổi, một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại của CLB Ca trù nói như trách móc: “Các ông ấy cứ bảo chúng tôi nào là “báu vật nhân văn sống”, rồi nghệ nhân này nghệ nhân nọ, chứ kỳ thực “có tiếng mà chẳng có miếng” đâu. Mỗi buổi biểu diễn các cháu thiếu nhi được 5.000 đồng, còn già cả, nghệ nhân như tôi được trả 15.000 đồng, thế thì báu với bở gì”.
Nói về CLB Ca trù Chanh Thôn, GS Tô Ngọc Thanh cho biết: “Ca trù Chanh Thôn là vật báu quốc gia. Đó là CLB cho đến nay là còn giữ được nguyên bản vốn cổ từ ca trù xưa. Đây thật sự là pho sử sống, bảo tàng sống về văn hóa dân gian”.
Hồ Phương Phúc