Nhiều ưu điểm vượt trội
Hiện lúa trong dự án đã bắt đầu cho thu hoạch, đạt năng suất và chất lượng tốt. Ông Đỗ Văn Lân – Phó Tổng Giám đốc TSC, Chủ nhiệm dự án cho biết, TBR225 là giống lúa thuần cảm ôn, do TSC nghiên cứu và chọn tạo, được công nhận sản xuất thử từ tháng 7.2013.
Qua trồng thử nghiệm, giống lúa TBR225 kháng sâu bệnh khá, năng suất trung bình từ 70 - 75 tạ/ha, nếu thâm canh tốt năng suất có thể đạt tới 80 – 90 tạ/ha. Về chất lượng, giống TBR225 cho cơm dẻo, ngon, có mùi thơm nhẹ. Giá lúa bán trên thị trường hiện cao hơn BC15 khoảng 1.500 đồng/kg nên bà con có thể yên tâm sản xuất.
Cũng theo ông Lân, giống lúa TBR225 phù hợp với cơ cấu xuân muộn, mùa sớm và đặc biệt có ý nghĩa với chân đất 3 vụ. Đối với các tỉnh miền Bắc, trong vụ xuân TBR225 có thời gian sinh trưởng khoảng 125 - 130 ngày, vụ mùa từ 100 - 105 ngày; các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, vụ đông xuân thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày, vụ hè thu 100 - 105 ngày.
Bà Đoàn Thị Kim Tuyến – Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư Thái Bình cho biết: Trong 2 năm (2012 – 2013), trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm cơ bản giống lúa NC7 (TBR225) và vụ xuân 2014, trung tâm đã xây dựng các mô hình trình diễn ở xã Đông Hải (Quỳnh Phụ), Đông La (Đông Hưng), Văn Cẩn (Hưng Hà), quy mô hơn 2ha/điểm.
Qua theo dõi, chúng tôi thấy giống lúa TBR225 cho bông to, tiềm năng năng suất tương đương giống BC15. Tuy nhiên, TBR225 có nhiều đặc điểm nổi trội hơn như thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5 – 7 ngày; kháng sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu tương đối tốt, nhiễm đạo ôn cổ bông cũng nhẹ hơn BC15.
Ông Trần Thanh Sơn – Chủ nhiệm HTX Bình Định (Kiến Xương, Thái Bình) cho hay: Vụ vừa qua, lần đầu tiên Bình Định cấy thử nghiệm TBR225 trên diện tích 5ha, qua quan sát cho thấy bông lúa TBR225 không chỉ to, mà hạt chín có màu vàng sáng rất đẹp, năng suất ước đạt trên 75 tạ/ha. “Giống TBR225 rất hợp với đồng đất của xã nên nông dân rất phấn khởi” - ông Sơn nói.
Thích hợp sản xuất lúa hàng hóa
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Lân cho biết thêm, TBR225 là giống lúa thuần chất lượng cao được TSC chọn tạo nhằm thay thế một số giống lúa kém chất lượng, năng suất thấp hiện nay.
Cũng theo bà Tuyến, giống lúa TBR225 có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn trong vụ xuân, do đó có thể mở rộng diện tích giống này vào vụ xuân tới. Đối với vụ mùa, giống bị nhiễm nhẹ bệnh bạc lá nên bà con có thể mở rộng diện tích trên chân đất cao, chủ động tưới tiêu và bón phân cân đối.
Qua khảo sát thực địa tại Trung tâm Nghiên cứu giống lúa thuộc TSC, ông Nguyễn Hoàn Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị: “Thời gian tới, TSC cần tiếp tục nhân rộng, hướng dẫn người dân sản xuất lúa đúng quy trình để đạt năng suất cao, góp phần làm lợi cho nông dân cũng như tiến tới xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của tỉnh và đưa ra kinh doanh thương mại”.