Nhiều bất cập ngành cá
Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Việc ký hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp (DN) và người nuôi cá tra thời gian qua còn lỏng lẻo, vẫn tiếp tục tái diễn tình trạng các bên tự ý hủy hợp đồng khi có bất lợi về mình. Ngoài ra, hiện tượng DN chế biến kéo dài thời gian trả tiền mua cá nguyên liệu, người nuôi bị chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến. Những hộ nuôi theo hình thức liên kết đầu tư cũng bị một số DN chế biến thiếu nợ và thậm chí không chịu trả nợ”.
Hy vọng khi triển khai thực hiện Nghị định 36, ngành cá tra sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Huỳnh Xây
“Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nuôi cá tra còn rất nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức và gây ô nhiễm môi trường, mất cân đối cung cầu. Tình trạng nhiều DN và người nuôi thiếu vốn sản xuất vẫn còn do thuộc diện nhóm nợ xấu và hết tài sản thế chấp. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đầu tu tương xứng, giá cả vật tư đầu vào cao” – ông Điền thông tin thêm.
Ngoài tình trạng trên, nhiều đại biểu còn cho rằng, nhiều hộ nuôi sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc hóa chất với liều cao đã dẫn đến tỷ lệ hao hụt khá lớn, một số nơi có tỷ lệ hao hụt đến 55%.
Việc sử dụng nguồn giống thả nuôi không đảm bảo chất lượng nên tình hình dịch bệnh cũng thường xuyên xuất hiện như gan thận có mủ, xuất huyết, vàng da…
Vực dậy từ Nghị định 36
Chính từ thực trạng nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Nghị định sẽ bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ ngày 20.6.2014. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu nhận định còn một số điểm, quy định trong Nghị định 36 chưa phù hợp thực tế, cần thay đổi trong thời gian tới và kiến nghị lùi thời gian thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang) cho biết: “Nghị định 36 ra đời là cần thiết nhằm ổn định thị trường, tránh cạnh tranh không lành mạnh, đưa ngành cá tra phát triển.
Tuy nhiên, trong nghị định này còn một số bất cập. Việc đăng ký hoạt động xuất khẩu chỉ thông qua cơ quan hải quan là đủ, không cần phải thông qua hiệp hội gây chồng chéo, mất thời gian mà không giải quyết được thêm gì. Vấn đề khai báo hợp đồng kinh tế với hiệp hội cũng không nên vì đó là bí mật của công ty, gây nhiều bất lợi. Còn về thời gian thực hiện nghị định, tôi thấy bất cập bởi vì 20.6 thực hiện mà đến nay chưa có thông tư hướng dẫn, nên thực hiện vào cuối 2015 thì hợp lý”.
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương thì cho rằng: “Nghị định phải đi từ gốc, thiết thực và đặt lợi ích của người nuôi, DN lên hàng đầu, được người nuôi và DN đồng tình ủng hộ. Nếu thực hiện theo nghị định đã nói thì người dân, DN sẽ gặp khó khăn ngay về vốn. Vì vậy, theo tôi việc thực hiện nghị định nên dời lại thời gian sau 20.6 và cần có những sửa đổi, bổ sung cho hợp lý”.
Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP cũng nhận định: “Nghị định 36 còn một số điểm chưa hoàn thiện, còn chung chung. Cần có quy hoạch cụ thể ở từng địa phương, làm sao không phá vỡ quy hoạch này khi giá cả lên hoặc xuống và có lợi cho người nuôi. Ngoài ra, cần làm sao để các nước nhập khẩu cá tra công nhận tiêu chuẩn VietGAP sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Tôi cũng đề nghị lùi lại thời gian thực hiện nghị định này đến ngày 1.7.2015”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám trao đổi với chúng tôi: “Ngành cá tra nước ta rất có lợi thế phát triển nhưng thời gian có thể nói rất là lận đận, DN và người nuôi không có lợi nhuận, dẫn đến đe dọa sự tồn tại của con cá tra. Vì vậy, việc Nghị định 36 ra đời là tín hiệu tốt, một cơ sở pháp lý rất quan trọng quản lý việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra. Nghị định này mới ban hành cho nên trong quá trình triển khai sẽ có nhiều băn khoăn và sẽ có những sửa đổi”.
Theo ông Tám: “Nghị định vẫn áp dụng từ ngày 20.6 nhưng có lộ trình thực hiện cụ thể. Hôm nay, chúng tôi lấy ý kiến các đại biểu về các vấn đề chung quanh triển khai thực hiện Nghị định 36 và các ý kiến góp ý xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này, để làm sao chúng ta quản lý được nhưng không gây khó cho người nuôi và DN”.