Nếu hiểu kinh tế thị trường là nền kinh tế mà người mua, kẻ bán quan hệ với nhau theo quy luật giá trị, cung - cầu, thì nó đã tồn tại ở quê tôi từ lâu rồi. Ai cần gì, từ đồ ăn, thức uống đến cục pin, cạc điện thoại, thuốc Tây chữa bệnh đến mài dao, mài kéo...
Những chiếc ghe hàng lênh đênh sông nước miền Tây cung cấp đủ thứ hàng hoá, dịch vụ. Người mua, chỉ chờ dứt một tiếng “hơ... hơ...”, ngoắc tay một cái là có ngay các thứ mình cần. Ngược lại, người bán cũng thông thuộc tánh ý, sở thích, thị hiếu từng nhà, từng người tiêu dùng của mình.
Ghe hàng tiện dụng xứ quê, nhưng giới chuyên môn thì lo ngại tác hại của việc thuốc Tây bán tràn lan, thực phẩm không an toàn hay những yêu cầu quản lý dân cư. Có những nhà bè di động mấy thế hệ không hộ khẩu. Nhưng như nước chảy, bèo trôi, hoạt động của các “chợ nổi di động” này cứ tồn tại theo quy luật có cầu-có cung. Thương hồ thiệt thòi nhiều thứ vì chỉ được cấp giấy tạm trú thời hạn 6 tháng/lần tái ký. Nhiều người muốn bỏ kiếp ghe hàng, đi làm ăn xa thì không có giấy tùy thân lận lưng; muốn mua xe máy lên bờ làm ăn, thì không có giấy tờ để đăng ký.
Thời gian gần đây, giao thông bộ phát triển, giảm bớt đò giang cách trở; các ghe hàng đã nhảy từ dưới sông lên bờ thành xe hàng, len lỏi từng lối nhỏ đường quê để “bán tận ngọn” cho người tiêu dùng nông thôn.
Ghe hàng bán tạp hóa trên sông hay xe hàng di động trên bờ là một trong những hình thái chợ mang đậm chất Nam Bộ xưa và nay. Gần đây, đã có một số nghiên cứu và nỗ lực của ngành chức năng đối với hoạt động bán hàng rong và giải pháp duy trì, phát triển, phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu của hình thái chợ quê này.
Những hoạt động kiểu chợ di động ở miền Tây không chỉ cần được xem xét dưới góc độ kinh tế, mà cần đặt trong vấn đề văn hóa, xã hội, truyền thống và tập quán sinh hoạt của cư dân đồng bằng. Tại sao hình thái “chợ nổi di động” này không thể là một phần của du lịch miền sông nước như một nét văn hóa đặc thù của chợ nổi miền sông nước?