Dân Việt

Thi cử thời xưa: chọn người “ngu - dốt” làm củ sát

Nguyễn Hữu Hiệp 13/06/2014 08:06 GMT+7
Theo lệ định năm Giáp Thìn (1664) đời vua Lê Huyền Tông, bộ Lễ là cơ quan thừa mệnh cao nhất đảm trách mọi công tác về tổ chức thi cử.

Do đó, sau khi đã nắm chắc danh sách sĩ nhân về dự kỳ thi Hội (đã qua Tứ trường thi Hương tại các xứ), một trường thi được dựng lên ở sân điện Giảng Võ (Hà Nội).

Đó là nơi bốn bề đều có tường cao, hào sâu, rào chắn hai lớp phên dày, một lớp phên thưa, dưới đất có cắm chông nhọn, trên cao là những chòi canh, lúc nào cũng có phân công người trừng mắt nhìn xuống, tưởng chừng con kiến cũng không thể qua lọt. Nghĩa là phải đảm bảo cho bằng được yêu cầu kín và vững.

img

Ban giám khảo (ảnh tư liệu)

Thông với bên ngoài là 4 cửa Giáp, Ất, Bính, Đinh, hầu như lúc nào cũng được đóng khoá chặt cứng. Những cánh cửa kiên cố này chỉ hé ra khi có việc thật cần thiết.

Suốt thời gian trước, trong và sau khi thi, quan Tuần xước ngày đêm cưỡi ngựa đi kiểm tra sự canh phòng nghiêm cẩn của thuộc hạ khắp 4 phía. Mọi sự lơ đễnh, để cho người không phận sự bén mảng đến khu vực cấm, hoặc thiếu ý thức trách nhiệm, đều lập tức bị trị tội.

Bên trong chia làm 4 khu. Hai khu có dựng sẵn những lều thi dành riêng cho từng sĩ nhân. Lều được làm theo kiểu tiền chế, kết cấu bằng tre lá, uốn lại thành hình bán nguyệt, úp xuống nhưng không sát mặt đất mà cách đất khoảng một thước mộc, trong có kê sạp tre, có tráp đựng nghiên bút. Sĩ nhân nằm dài trên sạp làm bài.

Những khu còn lại là các dãy nhà tất đường, thu quyển… giành cho quan trường, tức những người có phận sự coi thi, do quân lính của Tam ty, Ngủ phủ thi công. Toàn bộ đều được cung cấp đầy đủ các tiện nghi, vật dụng cần thiết như giường chiếu, bàn ghế, giấy bút, nhà ăn, nhà bếp v.v.

Mọi khoản chi cho trường thi đều lấy từ công quỹ, sĩ nhân không phải đóng lệ phí như ở kỳ thi Hương. Do đó, tất cả những người có phận sự trong việc coi thi, khi vào trường thi không được mang theo bất cứ vật gì ngoại trừ bộ đồ đang mặc.

Quan trường là những người mà trước đó 5 ngày. Bộ Lễ đã tâu dâng danh sách và được giao cho triều thần chọn từ các vị đương chức Thượng thư, Đô ngự sử, và Tả, Hữu thị lang. Vua xem xét, chọn người công bằng, sáng suốt, ngay thẳng và tháo vát để bổ dụng:

img

Quang cảnh trường thi khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh (ảnh tư liệu)

- 1 viên Đề điệu (đại thần ban võ).

- 1 viên Tri cống cử (Thượng thư hoặc Đô đài).

- 2 viên Giám thị (Thị lang hoặc phó Thiềm độ).

Tất cả những người này đảm nhận mọi việc trong trường thi dưới sự điều hành chung của bộ Lễ.

Mọi bộ phận chuyên trách cũng được tâu xin, gồm: 2 viên Tổng cán (một quan võ, một quan văn), 2 Giám khảo (chấm bài), 1 hoặc nhiều Giám thị (coi thi), 8 Tuần xước (kiểm tra), nhiều Thu quyển (nhận bài làm của sĩ nhân), 1 Di phong (dán kín tên của sĩ nhân để giữ bí mật đối với Giám khảo), 1 soạn tư liệu (biên mật số vào các quyển thi), nhiều Đằng lục (sao lại từng quyển thi giao cho Giám khảo chấm – không chấm trên quyển do sĩ nhân viết để tránh tiêu cực, ngừa thông đồng làm dấu riêng), nhiều Điển văn hành (phải là người bác lãm văn chương, điển cố, nên chỉ dùng các chức Thượng thư, Thị lang, Đông các đương quyền), một số Độc quyển (đọc lên để quan Đằng lục dò kỹ lại, đảm bảo đã sao đúng theo quyển thi).

Khoảng 10 Khảo thí và 15 Đồng khảo thí cùng một số lớn Án lại, Nho sinh, Sinh đồ… là những người chuyên viết bảng, phóng đề cho sĩ nhân làm bài.

Đội ngũ chuyên trách này được cơ cấu sẵn thành 3 toán, mỗi toán chỉ phục vụ một trường, tức một kỳ trong tổng số 3 kỳ của khoa thi, thay đổi để nhằm tránh tiêu cực. Hầu hết họ đều là những người đang làm việc tại Đông các, Lục khoa, Lục tự, Hàn lâm viện, Giám sát, Ngự sử đài, Trung thư đãi chiếu…

Đó là những cơ quan tương đương cấp bộ, trực thuộc trung ương. Có thể trưng dụng thêm nha lại tại một số nha môn thuộc các bộ, Hình, Công, Lại, Hộ cũng đặc phái người trong ban lãnh đạo sang túc trực tại trường thi để sẵn sàng phục vụ, giải quyết những yêu cầu đột xuất có liên quan đến chức năng ngành mình.

img

Các thí sinh đi vào trường thi trong kỳ thi 1897 (ảnh tư liệu)

Để tỏ rõ tính vô tư, ngay thẳng, trước khi chính thức nhận lãnh trọng trách cao quý, tất cả quan trường đều phải cùng "Hội thề" (lệ đặt ra từ khoa Mậu Thìn, 1448).

Sáng sớm ngày tiến trường, Thủ trưởng các nha môn và quan Huấn đạo tại các phủ có người trong danh sách được tạm bổ dụng nói trên, có trách nhiệm hướng dẫn họ đến bàn giao cho quan trường tại cổng, danh sách kèm theo.

Người nào việc nấy, theo đúng vị trí đã định. Mọi sự đi lại lộn xộn hoặc trò chuyện với nhau đều bị cấm tuyệt. Ai vi phạm hoặc liên can sẽ bị đuổi ra ngay, hoặc lập tức bắt giải giao cho quan hình xét xử, nếu xét thấy nghiêm trọng.

Đội ngũ quan quân phục vụ trường thi nhiều ít khác nhau. Nếu tổng sĩ nhân đông đến con số hàng vạn thì đội ngũ này có thể đông đến hàng nghìn! (Ngay từ những năm trước khi có định lệ này, số sĩ nhân dự thí đều từ nửa vạn trở lên, như khoa năm 1.502 số ứng thí là 5.000, lấy đỗ 61 người; năm 1.514 số ứng thí là 5.700, lấy đỗ 43 người… Đội ngũ coi thi khoa năm 1.664 là 600 người, nhân lên cho 3 kỳ của khoa ấy, phải trên số ngàn).

Tuy đông nghẹt nhưng nhờ đội ngũ giũ gìn trật tự lúc nào cũng đề cao cảnh giác, áp dụng những biện pháp cứng rắn và cấp thời, nên vấn đề trật tự an ninh ở những trường thi bao giờ cũng được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đó là những người mà chỉ một ngày trước khi khai mạc trường thi, thủ trưởng trực tiếp của họ và đặc phái viên bộ Lễ mới thống nhất danh sách theo số lượng mỗi vệ 30 người hiệu uý và 6 võ dũng sĩ. Tất cả đều phải là những người hoàn toàn không biết chữ để không thể tham gia nhắc chữ cho sĩ nhân. Họ được bất thần điều động đến trường thi nhận nhiệm vụ ngay lúc ở đây sắp bắt đầu khai mạc.

Không như các quan trường khác, đội ngũ trên 70 người này rất rộng quyền, được đi lại trong trường thi, được khám xét bất kỳ ai nếu thấy cần thiết. Nguyên tắc làm việc của họ là cùng làm và công khai, chia ra, cứ 2 người thì cùng khám 1 người.

Tại các cửa cổng, mọi người đều phải chịu kiểm tra ở 3 nút chặn. Trước hết là điểm mục, tức là nhìn tận mắt xem có phải đúng là người có tên trong danh sách hay không. Kế đó là khám quần áo (cấm mặc áo kép) may 2 lớp, có thể mặc 2 áo đơn). Và sau cùng là khám toàn thân. Ai mang theo bất cứ một vật gì trong mình đều bị tịch thu và đuổi ra.

Nhờ luật lệ trường thi cực kỳ nghiêm ngặt như vậy nên, trong ngót gần cả nghìn năm, với 186 khoa thi (cấp trung ương) ta không nghe thấy có chuyện tiêu cực nào xảy ra.

Cho nên, khi tìm hiểu về công tác tổ chức thi cử, thiết tưởng không thể không thận trọng nhắc đến đội ngũ củ sát (bảo vệ, kiểm xét). Tuy đều dốt đặc cán mai nhưng đã đóng góp hữu hiệu công sức của mình trong việc tuyển dụng nhân tài cho đất nước. Tất nhiên đó là chuyện của ngày xưa. Nay, dù có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng dễ có một cán bộ nào mù chữ – mà có cũng không tiện dùng!