Ngày 22.4, Bộ GTVT đã đưa ra lý giải về việc đề nghị tăng 339 triệu USD vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).
Bộ GTVT cho hay việc thực hiện dự án phải điều chỉnh, bổ sung, phát sinh một số hạng mục so với thiết kế ban đầu. Việc thay đổi phương án từ nhà ga hai tầng lên ba tầng và có cầu vượt người đi bộ giảm được 43,1 triệu USD chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng làm tăng 84,2 triệu USD so với bước lập dự án.
Chi phí được tăng lên nhiều nhất là chi phí xây dựng do tiến trình thực hiện dự án bị kéo dài, với chênh lệch điều chỉnh là 220,7 triệu USD. Do chậm GPMB, chi phí phục vụ hoạt động này cũng đã bị tăng thêm 25,06 triệu USD.
Dự án được phê duyệt tháng 10.2008 với tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng, tương được 552,86 triệu USD (tính theo mặt bằng giá quý I năm 2008). Theo phương án ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ tháng 11.2008 đến tháng 11.2013 với 12 nhà ga trên cao, trang bị 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, tương đương khối lượng vận chuyển khoảng 1.020.000 người/ngày. Vốn đầu tư từ nguồn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133.86 triệu USD.
Tổng thầu của dự án là Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc đã đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư là Cục Đường sắt đã phối hợp với tư vấn thẩm tra, rà soát và xác định được khái toán tổng mức điều chỉnh là 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD. Tương đương gần 70 triệu USD cho 1km đường sắt đô thị của tuyến này.
Tổng thầu dự án đã kiến nghị gia hạn thời gian hoàn thành đến cuối năm 2015 với điều kiện công tác GPMB cơ bản hoàn thành trong năm 2013. Việc này đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Hiện còn vướng 3km/13km chính tuyến và 0,8km/1,7km đường ra vào khu Depot; đường dẫn vào khu Depot vướng 0,8km do chưa GPMB... Theo Bộ GTVT, thiết kế nhà ga đã thay đổi từ 2 tầng lên 3 tầng làm thay đổi vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân được cho là làm tăng vốn đầu tư là khu vực Depot tại quận Hà Đông có nền đất yếu ở độ sâu từ 2- 3m, song Tư vấn TEDI không đề xuất phương án xử lý. Khi triển khai thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã kiến nghị phải xử lý để đảm bảo chất lượng công trình. Do biến động giá, chế độ, chính sách cũng như khối lượng đơn giá trong thiết kế cơ sở chưa tính chính xác nên cần bổ sung khoảng 95 triệu USD.
Bộ GTVT cũng cho biết, sắp tới Cục Đường sắt Việt Nam và nhà thầu sẽ hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật dự toán trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dựa trên cơ sở thẩm định của Bộ Xây dựng. Việc GPMB của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 6.2014.