Dân Việt

Cửa hàng tiện ích: “Kẻ phá bĩnh” lanh lợi

Minh Cúc(Thế giới Tiếp Thị) 04/05/2014 08:18 GMT+7
Kẻ này – cửa hàng tiện ích, đã đẩy chợ vào thế bí bách hơn, còn siêu thị cũng phải thủ thế với “thằng em” tuy nhỏ con nhưng lanh lợi này.
Từ khi có sự xuất hiện của các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Maximark, Cititmart… các chợ truyền thống tại khu vực nội thành đã bị chia bớt thị phần đáng kể.

Tuy nhiên, các chợ vẫn còn được khá nhiều “đồng minh” trung thành, đó là những bà nội trợ truyền thống, những người lớn tuổi, những người ngại xếp hàng tính tiền, ngại đi thang cuốn…

Cửa hàng tiện ích đến từ Nhật Bản mang theo nguồn hàng riêng.
Cửa hàng tiện ích đến từ Nhật Bản mang theo nguồn hàng riêng.

Nhằm bành trướng độ phủ, giữ thế thượng phong, các siêu thị đã cho ra đời chuỗi cửa hàng tiện ích như Co.opmart có Co.opfoods, Big C có C Express… Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thực phẩm, công ty phân phối cũng nhảy vào chia thị phần như chuỗi cửa hàng của Vissan, Cầu Tre, Satrafoods… Đồng thời là sự xuất hiện của các cửa hàng tiện ích thương hiệu nước ngoài như Shop&Go, Circle K, FamilyMart, B’s mart… Chưa kể các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ, rau củ quả an toàn cũng đang xuất hiện khá ồ ạt, khiến thị phần chợ ngày càng thu hẹp.

Dường như thiên thời địa lợi đã đứng về phía những kẻ đến sau nên sự xuất hiện dịch cúm gia cầm, các vụ bê bối trong sản xuất thực phẩm… khiến người tiêu dùng dù có thương chợ đến đâu cũng bỏ chợ đến với cửa hàng tiện lợi nhiều hơn. Không những thế, qua quan sát từ thực tế cho thấy, cửa hàng tiện ích đang thực hiện chiến lược “bao vây” chợ khi xuất hiện bên cạnh chợ hoặc chỉ cách chợ vài mét. Chẳng hạn, chỉ riêng khu vực quận 11, bên cạnh chợ Bình Thới là hai cửa hàng C Express và Satrafoods, còn gần chợ Thiếc có một cửa hàng Satrafoods…

Rõ ràng, với mô hình nhỏ gọn, cung cấp các sản phẩm thiết yếu thì cửa hàng tiện ích ngày càng phát huy thế mạnh, mật độ phủ ngày càng dày và rộng. Với các siêu thị có chuỗi cửa hàng tiện ích thì sự ra đời của cửa hàng tiện ích giúp tăng doanh số bán hàng, tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn, đồng thời giảm tải lượng khách tại siêu thị.

Tuy nhiên, với các cửa hàng tiện ích không thuộc các siêu thị thì không chỉ chợ mà các siêu thị cũng là đối thủ cạnh tranh. Bởi sự gần gũi với khu dân cư, mô hình thân thiện, thanh toán nhanh chóng… khiến các cửa hàng này trở thành địa điểm mua sắm lý tưởng cho nhiều người. Thậm chí, một số cửa hàng tiện ích còn cung cấp các dịch vụ và sản phẩm riêng mà siêu thị không có.

Tại các cửa hàng tiện ích của nước ngoài, tuy độ phong phú của hàng hoá có phần hạn chế nhưng cũng có thế mạnh riêng so với siêu thị. Chẳng hạn như chuỗi cửa hàng Circle K (Mỹ), chủ yếu bán bánh kẹo, nước giải khát, snack, thực phẩm khô nhưng mở cửa suốt 24 giờ, giao hàng tận nơi, có dịch vụ giặt ủi, khuyến mãi quanh năm… và bán cả bao cao su. Còn trong 34 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) thì có các sản phẩm, thực phẩm riêng, theo mùa… đến từ Nhật Bản.

Và, người tiêu dùng, khi cần tìm các sản phẩm chuyên và riêng, dĩ nhiên sẽ tìm đến các cửa hàng tiện ích của Vissan, Cầu Tre, Circle K, FamilyMart, Shop&Go…