“Chú Út vừa đi chụp hình nguyệt thực về tới nơi nè! Giờ chú chỉ chụp những bức hình về đời sống, cảnh vật thiên nhiên, như một liệu pháp tinh thần để quên đi những ám ảnh của một thời làm PV chiến trường”.
Giọng hồ hởi của “Chú Út”- tên thân mật mà tôi vẫn gọi ông Nick Út- phóng viên ảnh của Hãng tin Mỹ AP- từ California, Mỹ vang lên qua điện thoại khi chia sẻ cùng với phóng viên NTNN.
“Nếu cao chút nữa tôi đã bị bắn bay đầu”Hơn 40 năm trôi qua, bức ảnh “Em bé Napalm” gắn liền với quá khứ chiến tranh vẫn khiến bao thế hệ người Việt nhói lòng khi xem lại. Bức ảnh đó đã mang lại sự thành công lớn lao cho ông trong sự nghiệp. Ông có còn nhớ khoảnh khắc tạo nên “Em bé Napalm” trong quá khứ?-Lúc nào tôi cũng nhớ đến bức hình
em bé Napalm và những cảnh tượng trong buổi sáng hôm tôi chụp được hình Kim Phúc (nhân vật trong bức ảnh em bé Napalm). Đó là tháng 6.1972, tôi và một đồng nghiệp đi chụp cảnh ném bom tại thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh.
Nick Út trong lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp mở văn phòng AP đầu tiên ở Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Khi chúng tôi tới nơi, người dân chạy rầm rầm tỏa ra khắp con đường Quốc lộ 1. Tôi hiểu ra ngay đó là một cuộc chạy loạn. Tôi chạy theo họ và chụp ảnh trong vòng 2 giờ, với rất nhiều bức hình, khoảnh khắc của cuộc chạy loạn này. Lúc đó, tôi nghĩ như thế là đủ rồi. Rồi tôi thấy cột khói chỉ điểm màu vàng bay lên. Sau đó, máy bay đến thả bom. Tôi cố đứng lại chụp cảnh ném bom. Họ thả 4 trái bom napalm xuống, lửa cháy dữ dội. Tôi thấy một bà già bế một đứa nhỏ trên tay chạy ra và kêu cứu: “Cứu cháu tôi với!”. Tôi vừa đưa máy ảnh lên chụp được một tấm hình thì cậu bé trên tay của bà cũng tắt thở. Sau này tôi mới biết, đó là bà nội của Kim Phúc và cậu bé đó là em trai của Kim Phúc.
Tôi chưa kịp định thần, thì lại nhìn thấy một cô bé trần truồng vừa chạy vừa la hét. Theo thói quen, tôi đưa máy lên và bấm nhưng vừa chụp được 4 tấm hình, tôi thấy cô bé la hét dữ dội hơn. Tôi thấy phía sau lưng em là một mảng cháy sém, tôi không dám chụp nữa, sợ em sẽ chết.
Tôi lấy nước giội vào lưng cho Phúc, nhưng vết thương nặng quá; em la lên: “Xót lắm, cho em uống nước thôi! Đừng giội nước lên!”. Sau đó, tôi lấy áo mưa để che cho Phúc khỏi trần truồng, rồi đưa Phúc đi Bệnh viện Tây Ninh. Sau đó, tôi trở lại Sài Gòn, kiểm tra máy ảnh. Khi bức ảnh được rửa xong, tôi run lên vì xúc động. Bức ảnh được gửi đến AP ở New York. Và thật ấn tượng, chỉ vài giờ sau đó, bức ảnh này đã được truyền đi trên khắp thế giới và tạo nên một cơn “địa chấn” mạnh về nỗi đau chiến tranh Việt Nam từ đó cho đến mãi sau này.
Sau “Em bé Napalm”, ông cũng đã lăn lộn tác nghiệp trên nhiều chiến trường khác. Là phóng viên ảnh chiến trường, chụp ảnh thời chiến tranh khó khăn ra sao, thưa ông?- Đó là những bức hình được đánh đổi bằng tính mạng của mình. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi qua Lào, Campuchia, Hàn Quốc để tác nghiệp chiến trường. Tôi không thể nhớ nổi vô số lần chết hụt của mình khi tác nghiệp, nhưng tôi biết chắc mình cao số lắm.
Tôi nhớ có lần, khi tôi và một đồng nghiệp đang chụp ảnh ở chiến trường Campuchia, người đi kế sau tôi bị trúng đạn và chết tại chỗ. Tôi may mắn nhảy lọt xuống một cái hố. Một lần khác cũng ở Campuchia, may thay cái vóc dáng nhỏ bé đã cứu tôi không bị trúng đạn. Nếu tôi cao thêm 5 phân nữa thì đã bay đầu vì đạn pháo trong trận đó. Một tháng sau khi tôi chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, tôi trở lại quê hương cô Kim Phúc và đã bị pháo kích vào đùi. Khi tôi đeo một mớ máy ảnh và đang tác nghiệp thì bỗng nhiên sững lại, áo rách bươm, đùi chảy máu. Lúc đó tôi đứng trân như người chết rồi, may thay, có ai đó đã kéo tôi chạy vào một ngôi chùa, không thì sẽ bị trúng quả đạn thứ hai…
Sau khi chiến tranh ở những nước này kết thúc, tôi về Mỹ và sau đó quay sang Nhật Bản. Tôi không còn muốn chụp ảnh về chiến tranh nữa, nên sau này tôi chuyển qua chụp ảnh phóng sự xã hội và chụp sự kiện nóng.
Ác mộng: La hét và té ngãNhững người bạn của ông nói rằng, ở Mỹ, ông đang sống gần một đường băng, mỗi lần nghe tiếng máy bay trong đêm, ông lại rơi vào ám ảnh chiến tranh. Điều đó đã đến trong giấc mơ của ông như thế nào?
- Tôi sống trong trên ngọn đồi, nơi có rất nhiều chuyến bay đêm bay ngang qua. Có nhiều đêm, máy bay bay rất gần khiến tôi luôn có cảm giác cả ngôi nhà mình bị rung theo. Trong giấc mơ, tôi cứ nghĩ đó là chiến tranh. Tôi nhớ lại những cảnh nguy hiểm khi tôi bị thương, nghĩ đến người anh trai đã qua đời vì chiến tranh. Những cơn ác mộng đó khiến tôi hét lên trong đêm và té nhào xuống đất. Chiếc giường ngủ của tôi khá cao, nên mỗi lần tôi bị ác mộng và té xuống là mỗi lần đau đớn vô cùng. Tôi ám ảnh và sợ đến nỗi, tôi thường không dám xem những bộ phim từ liệu về Việt Nam năm xưa và về chiến tranh. Tôi đã nhiều lần đến bác sĩ để hỏi về bệnh tình của mình, nhưng họ bảo đó là sang chấn tâm lý và khuyên tôi nên ít tiếp xúc với quá khứ.
Ông đã sống ở Mỹ nhiều năm, gặp nhiều quan chức của Mỹ và những người dân Mỹ, khi biết ông là một nhà báo đầy ắp ký ức về chiến tranh, họ có nói gì với ông về Việt Nam và cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động năm xưa? -Phần đông người Mỹ đều biết tôi qua bức ảnh “Em bé Napalm”. Tôi đi đến đâu người ta cũng giới thiệu “Đây là Nick Út- tác giả của bức hình Em bé Napalm” trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều quan chức Mỹ đến ôm chầm lấy tôi và khóc. Họ cảm ơn Nick Út vì bức hình, từ bức hình đó, dư luận Mỹ đã tạo ra làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam, vì thế những người này đã không phải sang Việt Nam tham gia chiến tranh. Đến nay thậm chí cả những người lính Mỹ năm xưa cũng đã quên đi ký ức đau đớn này.
Sau khi “Em bé Napalm” trở nên nổi tiếng toàn thế giới, cô bé năm xưa giờ đây đã là một sứ giả hòa bình đi khắp thế giới để nói về nỗi đau chiến tranh. Ông có gặp lại bà Kim Phúc hay không?- Cứ khoảng 1 - 2 tuần tôi và Kim Phúc lại gọi điện hỏi thăm nhau. Cô Kim Phúc hiện đang sống ở Canada, mỗi lần gọi cho tôi đều nói rằng : “Chú Út à, là con đây, Kim Phúc đây”! Cô bé đã mang lại sự nổi tiếng cho tôi trong nghề, nhưng nỗi đau mà Kim Phúc đang mang trên người cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với tôi. Kim Phúc lúc nào cũng nói, nếu không có tôi, cô ấy đã chết. Tôi thì không nghĩ vậy, tôi chỉ nghĩ cả thế giới này đã cứu em.
Xin cảm ơn ông!
Tôi nhớ một kỷ niệm thú vị như thế này: Đó là dịp 35 năm ngày chụp bức hình cô Kim Phúc, lúc đó tôi vừa ở Việt Nam sang, hãng AP muốn tôi đi chụp hình cô đào Paris Hilton đi tù. Một nhiệm vụ khá khó khăn bởi không có cách nào để tiếp cận được khoảnh khắc ấy. Nhưng rồi, khi tôi xuất hiện, biết tôi là Nick Út, lực lượng an ninh đã để tôi vào chụp hình cô Paris Hilton. Lúc tôi bấm máy cũng đúng với thời điểm cách đó 35 năm tôi bấm máy chụp hình cô Kim Phúc. Chi tiết này sau đó đã được Hãng tin CNN đưa vào câu chuyện của họ”. Nick Út
|