Ngày 15.4.2014 vừa qua, trong khuôn khổ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao lần thứ 24 đã diễn ra chương trình Kết nối giữa nhà sản xuất nông sản công nghệ cao với hệ thống siêu thị và kênh phân phối Horeca. Tham dự chương trình có 14 nhà sản xuất và cung cấp nông sản công nghệ cao, đại diện của ba siêu thị và 15 đại diện của kênh phân phối Horeca. Mục đích của chương trình nhằm tạo cơ hội gắn kết và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP, Global Gap đến các siêu thị và các đơn vị thuộc kênh phân phối Horeca.
Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương trao đổi với các nhà cung cấp nông sản Đà Lạt, tại buổi Kết nối giữa nhà sản xuất nông sản công nghệ cao với hệ thống siêu thị và kênh phân phối Horeca.
Trao đổi sau chương trình, đa số các nhà sản xuất và phân phối đều nhận xét, rất cần những chương trình kết nối nông sản như vầy để rút ngắn khoảng cách từ nông trại đến người tiêu dùng.
Ông Vũ Công Đoàn, giám đốc hợp tác xã Thanh niên Đức Trọng, hào hứng cho biết: “Đã có một số đối tác tìm đến liên hệ và trao đổi thông tin. Mặc dù tại đây chúng tôi chưa thể bàn sâu đến các điều khoản nhưng hứa hẹn sự hợp tác sau chương trình này”.
Cầu đã bắc…Song song đó, ngày 16.4.2014 cũng có buổi giao lưu kết nối các doanh nghiệp trong nước như Sài Gòn Foods, Liêu Thanh, Phú Lễ, Tân Quang Minh, nông sản Đà Lạt và hơn 100 tiểu thương đến từ 20 chợ trên địa bàn thành phố. Tại buổi giao lưu này, các nhà sản xuất và tiểu thương đã có những trao đổi khá thẳng thắn và chân tình. Như bà Lê Thị Thanh Lâm, phó giám đốc công ty Sài Gòn Foods đưa các câu chuyện người thật việc thật về các sản phẩm của công ty. Còn bà Tô Hoa Hồng Điệp, giám đốc công ty Liêu Thanh thì đưa ra câu chuyện về việc nhãn hiệu của Jovial bị cắt và thay vào nhãn hiệu Nhật để bán giá cao hơn…
Về phía tiểu thương, bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh, tiểu thương chợ Gò Vấp cũng có ý kiến, nếu biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất thì tiểu thương sẽ tự tin giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện nay vấn đề cạnh tranh giữa chợ truyền thống và siêu thị rất lớn, các chợ bị giảm sức mua mặc dù tiểu thương tại các chợ cũng đã cố gắng thay đổi, nâng cấp quầy sạp, phong cách bán hàng… Đó chỉ là hai trong hàng trăm cuộc kết nối lớn nhỏ đã được tổ chức trong các năm qua.
Nhưng… chưa thôngTrước việc đưa hàng mạnh mẽ vào siêu thị của các nhà sản xuất, bà Kiều Hạnh đưa ra một câu hỏi khá thẳng thắn: “Các nhà sản xuất có còn mặn mà với chợ truyền thống không hay chỉ chú trọng vào siêu thị?”
Trả lời cho câu hỏi của tiểu thương, bà Tô Hoa Hồng Điệp đưa ra một thực tế trái ngược: đội ngũ tiếp thị của công ty Liêu Thanh mặc dù đã rất
cố gắng chào hàng ra chợ nhưng kết quả không khả quan. Bà Điệp chân thành đặt câu hỏi với các tiểu thương: “Xin các chị cho biết, nguyên nhân từ đâu mà hàng của chúng tôi khó vào chợ?”
Sau khi dạo qua một số chợ, chúng tôi ghi nhận đa số đều bán các sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông (của các tập đoàn đa quốc gia) hoặc một số thương hiệu “lạ”. Ghé vào một sạp bách hoá tại chợ Hoà Bình (quận 5), chúng tôi được giới thiệu một nhãn hiệu bột giặt mới xuất hiện trên thị trường và đang được quảng cáo trên truyền hình. Bột giặt mới được bày trên kệ khá bắt mắt và có đính kèm một hộp nhựa quà tặng khuyến mãi. Tiểu thương cho biết, cái kệ là của bên công ty bột giặt hỗ trợ. Khi tìm kiếm nhãn hiệu bột giặt trong nước, chúng tôi được chỉ vào gói bột giặt Lix đang để dưới đất.
Cách nay ba năm, tại văn phòng ban quản lý chợ Bình Tây (quận 6) cũng có một cuộc kết nối các nhà sản xuất với tiểu thương trong chợ. Cuộc kết nối khá thành công, các tiểu thương và doanh nghiệp hào hứng trao đổi thông tin, nhiều tiểu thương đăng ký bán hàng. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, chúng tôi ra chợ tìm mua sản phẩm của các doanh nghiệp đã xuất hiện trong buổi kết nối lại không có. Một số tiểu thương cho biết, vì nguồn hàng của các doanh nghiệp hay bị đứt, chính sách thay đổi liên tục.
Phát biểu tại buổi kết nối, bà Điệp cũng nhận xét, hàng vào chợ rất khó vì tiểu thương đã quen bán mặt hàng của các công ty khác, chào hàng là cả vấn đề. Vô được sạp đã khó, bán được thời gian dài càng khó khăn hơn.
Cũng tại buổi kết nối, chị Lê Thị Thanh Huyền, tiểu thương chợ Nguyễn Đình Chiểu đề xuất, các nhà sản xuất nên đặt hẳn gian hàng tại chợ, có thương hiệu ở đó để người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt và an toàn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho rằng, hiện chưa đủ điều kiện để thực hiện điều đó.