Dân Việt

Đồng vốn đi qua, khó nghèo lùi bước

Trần Đáng 04/05/2014 08:03 GMT+7
Sau khi vay vốn, người dân đã tự tính toán làm ăn rồi vươn lên làm chủ và có cuộc sống ổn định. Đó là kết quả đáng tự hào của nhiều người dân ở TP.HCM.
Làm chủ từ vốn ưu đãi

Theo chân chị Nguyễn Thị Kim Ánh – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH quận 4, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Tạo – hộ nghèo được đánh giá là sử dụng vốn ưu đãi có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Tạo và con gái đang làm giày từ nguồn vốn hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Tạo và con gái đang làm giày từ nguồn vốn hộ nghèo.

Nhà bà Tạo nằm trong một khu lao động nghèo của phường Tôn Đản. Khi chúng tôi vào, bà Tạo và cô con gái đang lúi cúi may giày trong ngôi nhà chỉ khoảng 10m2. Bà Tạo cho biết, bà đã làm nghề may giày da từ 20 năm nay. Tuy nhiên, trước kia gia đình bà chỉ làm gia công cho các xưởng giày. “Không có vốn để mua vật liệu làm giày nên gia đình tôi phải nhận gia công. Chúng tôi thức đêm, thức hôm miệt mài làm nhưng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn”- bà Tạo tâm sự.

Năm 2010, bà Tạo bắt đầu vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi. Có tiền, bà mua vật liệu da, chỉ… về làm giày. “Làm gia công thì nghèo mãi, phải làm chủ mới đổi đời”, bà Tạo cười nói. Theo chị Liên – con gái bà Tạo, mỗi ngày hai mẹ con làm được 50-60 đôi giày da (lúc cao điểm cả 100 đôi giày). Mỗi đôi giày khi giao cho cửa hàng lời khoảng 30.000 đồng.

Giờ thì gia đình bà Tạo không còn lo cái ăn hàng ngày nữa và đã sắm được máy vi tính, tivi, xe máy… Kế hoạch của bà sắp tới, dành dụm “sửa lại cái nhà”. Không chỉ thoát nghèo, bà Tạo còn tạo việc làm cho 4 lao động khác.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Đến cuối năm 2013, tại TP.Hồ Chí Minh đã có 160.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 2.130 tỷ đồng.

Cũng như bà Tạo, bà Nguyễn Thị Ngộ (khu phố 3, phường 9, quận 8) cũng được vay vốn chương trình hộ nghèo. Hơn 10 năm làm nghề tóc, gia đình bà lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau vì tiệm làm tóc không được đầu tư nên không thu hút khách.

Được vay vốn ưu đãi, bà mua thêm máy móc. Hiện mỗi ngày bà kiếm được khoảng 400.000 đồng. “Nhờ vốn ưu đãi tôi không lo ăn hằng ngày nữa rồi”- bà Ngộ tâm sự.

Ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hồ Chí Minh khẳng định, chương trình có ý nghĩa nhiều mặt, đó là thu nhập của ND tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tạo công ăn việc làm cho nhiều ND nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm đáng kể tệ nạn cho vay nặng lãi…

Ông Trần Văn Tiên – Phó Giám đốc ngân hàng thành phố cũng khẳng định, bình quân mỗi năm ngân hàng giải ngân từ 600-800 tỷ đồng cho 30.000-40.000 lượt hộ nghèo vay. Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ vốn cho các đối tượng hộ nghèo, ngân hàng đang xây dựng đề án cho vay hộ cận nghèo. Nhu cầu vay vốn của các hộ cận nghèo khá lớn. Dự tính tổng vốn cho chương trình này mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng.

Nỗ lực tạo lậpnguồn vốn mới

Thủ tướng Chính phủ quyết định, từ năm 2015 sẽ thu hồi vốn hỗ trợ hộ nghèo cấp cho TP.Hồ Chí Minh. NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tiên- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Vì sao Chính phủ lại có Quyết định này, thưa ông?

- Nguồn vốn Chính phủ chỉ giải quyết cho hộ nghèo theo chuẩn quốc gia vay Khi chuẩn nghèo của thành phố nâng lên (16 triệu đồng/người /năm), Chính phủ quyết định sẽ thu hồi vốn hỗ trợ người nghèo cấp cho thành phố. Tuy nhiên nếu thu hồi vốn ngay sẽ rất khó cho thành phố, bởi nguồn vốn này trong dân khoảng 800 tỷ đồng, nên Thủ tướng quyết định sau năm 2015 mới thu hồi vốn.

TP đã chuẩn bị gì khi không còn nguồn vốn của Trung ương?

- Ngay sau khi có quyết định của Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH, Sở LĐTBXH, Sở Tài chính, Sở KHĐT tìm phương án tạo lập nguồn vốn để đàm bảo khi nguồn vốn Trung ương được rút về.

Vì sao từ ngày 1.4.2014, lãi suất cho vay (nguồn vốn Trung ương) đối với hộ nghèo của TP.HCM từ 0,65% tăng lên 0,78%/tháng?

-Tôi được biết, vì thu nhập hộ nghèo thành phố gấp hơn 2 lần hộ nghèo chuẩn quốc gia, nếu áp dụng lãi suất như nhau là không công bằng.
Xin cảm ơn ông!

Trần Thế (thực hiện)