Thực tế này đặt ra cho nhà sản xuất kinh doanh sản phẩm phân bón thương hiệu Phú Mỹ một câu hỏi lớn: “Phải làm gì để tiếp tục phát triển?”.
Trong Bản tin nhà đầu tư của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) phát hành trong quý I/2014, triển vọng tăng trưởng vẫn là một trong những nội dung chủ chốt, nhưng thông điệp mà ban lãnh đạo PVFCCo muốn truyền đạt đến nhà đầu tư thông qua bản tin này không phải là kỳ vọng tăng trưởng cao cho năm 2014 hay 2015, mà ở tầm nhìn xa hơn - trung và dài hạn.
NPK Phú Mỹ - dòng sản phẩm mới của PVFCCo đã đến với bà con nông dân trên cả nước.
Hơn 10 năm qua, đạm Phú Mỹ vẫn là sản phẩm chủ chốt, đóng góp nhiều nhất vào doanh thu và lợi nhuận của tổng công ty. Tuy nhiên, các phân tích về thị trường phân đạm trong nước cũng như quốc tế giai đoạn 2014-2017 đều cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan.
Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ phân đạm từ mấy năm qua ổn định quanh mức 2 triệu tấn/năm. Sức cung ứng sản phẩm từ các nhà máy hiện vào khoảng 2,2 triệu tấn và còn tiếp tục tăng lên 2,5 triệu tấn vào năm 2015.
Trên thị trường thế giới, báo cáo của Hiệp hội Phân bón thế giới đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ phân đạm toàn cầu giai đoạn 2013-2017 tăng 1,7%, trong khi nguồn cung tăng tới 3,3% nên mức dư thừa sau 4 năm nữa sẽ là 6 triệu tấn.
Dường như ngành sản xuất phân đạm trong nước đã đạt ngưỡng bão hòa. Nói cách khác, đồ thị phát triển của ngành này đã tiệm cận đỉnh. Ông Lê Cự Tân- Chủ tịch HĐQT PVFCCo, nói: “Chúng tôi ý thức được rằng không thể có phát triển bền vững nếu không có đầu tư sản xuất sản phẩm mới.
Do vậy, chúng tôi đang tập trung nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, bao gồm tổ hợp dự án sản xuất NH3 và NPK công suất 90.000 tấn NH3/năm và 250.000 tấn NPK/năm theo công nghệ hóa học; dự án đầu tư xây dựng xưởng sản xuất UFC85/Formaldehyde có công suất mỗi năm là 15.000 tấn UFC85 hoặc 25.000 tấn Formaldehyde quy đổi; dự án sản xuất oxy già (H2O2, nồng độ 27,5% kl) công suất 30.000 tấn/năm và một số dự án sản xuất phân bón, hóa chất khác”.
Ông Tân cũng tin rằng: “Đây là các dự án sẽ tạo những bước nhảy vọt về doanh thu và lợi nhuận cho tổng công ty trong tương lai”.
Dự án UFC85/Formaldehyde sẽ được triển khai sớm trong năm nay để có thể có sản phẩm vào cuối năm 2015. Trong khi đó, các thủ tục đầu tư, phê duyệt tổ hợp dự án NH3 và NPK cũng đang được xúc tiến để có thể sớm triển khai trong đầu năm 2015 và cho ra sản phẩm mới vào năm 2017. NH3 là nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân đạm và các loại phân bón khác như NPK, DAP...
Hiện nay, công suất sản xuất phân bón tổng hợp NPK trong nước đã vượt cầu, tuy nhiên, sản phẩm NPK một hạt chất lượng cao (sản xuất theo công nghệ hóa học) thì trong nước chưa sản xuất được nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 0,5 triệu tấn. Dự báo con số này sẽ tăng đều trên 10% năm trong các năm tiếp theo nhằm phục vụ các loại cây có giá trị kinh tế cao, sản phẩm nông sản xuất khẩu đi các nước có tiêu chuẩn khắt khe như Nhật, châu Âu, Mỹ. Dự án sản xuất NPK của PVFCCo chính là nhằm vào phân khúc thị trường này.
Thương hiệu là lợi thế không nhỏ để PVFCCo phát triển sản phẩm mới. Từ năm 2012, PVFCCo đã cung cấp ra thị trường các loại phân bón chất lượng cao gồm NPK, kali, DAP mang thương hiệu Phú Mỹ.
PVFCCo không chỉ gắn thương hiệu, mà còn gắn cả trách nhiệm, uy tín và cung cấp một gói dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp hỗ trợ nông dân đi kèm với các sản phẩm của mình. Điều đó càng làm tăng uy tín cho thương hiệu Đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, cũng như các sản phẩm mang thương hiệu phân bón Phú Mỹ khác do PVFCCo cung cấp ra thị trường. Đây là một lợi thế rất lớn cho PVFCCo.
PVFCCo cũng có lợi thế về tài chính với nguồn tiền mặt khá dồi dào cùng uy tín trong sản xuất kinh doanh, nhờ đó, việc thu xếp vốn cho các dự án mới không khó. Ngoài ra, việc tận dụng mặt bằng cũng như cơ sở hạ tầng hiện có của Nhà máy Đạm Phú Mỹ để phát triển các dự án mới không những giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp dự án có hiệu quả tốt hơn.
Dù có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng ông Tân cho rằng sự thận trọng là hết sức cần thiết khi nghiên cứu, xem xét các yếu tố về thị trường, khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như trong việc lựa chọn công nghệ thích hợp để không bị lạc hậu, kể cả trong tương lai xa.