Theo ông Huỳnh Sơn Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy, nghịch lý này chỉ có thể được giải quyết khi giải quyết được vấn đề về giống và tiêu thụ đầu ra cho người nông dân.
Đậu nành - Giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe lâu dàiTrong hai ngày 18 và 19.4 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về đậu nành có chủ đề “Đậu nành – Thực phẩm vàng của thế kỷ 21” với sự tham gia của 11 chuyên gia, nhà khoa học từ các nước Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam cùng đại diện của Bộ Y tế Bộ NNPTNT.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại hội thảo đó là việc sử dụng đậu nành trong lĩnh vực chế biến thực phẩm để tạo ra các sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong nước.
Theo TS Vương Đình Trị, nhiều người Việt Nam hiện đang sử dụng đậu nành vì ưa thích hơn là vì nhu cầu nâng cao chất lượng sức khỏe.
Đậu nành là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng protein tương đương với thịt (chiếm đến 38%), đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng nổi trội như Isoflavones, vitamin, chất chống oxy hóa…
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cung cấp những báo cáo khoa học chứng minh dinh dưỡng trong đậu nành giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì và ung thư ở cả nam giới và nữ giới.
Theo tiến sĩ Vương Đình Trị - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ (NCSB), tại Việt Nam rất nhiều người hiện đang sử dụng đậu nành vì ưa thích hơn là vì nhu cầu nâng cao chất lượng sức khỏe.
Trong khi đó, tại các nước trên thế giới, lợi ích dinh dưỡng của đậu nành đối với sức khỏe đã được nghiên cứu và phát triển thành những thực phẩm thơm ngon, hợp với thực đơn hàng ngày như sữa nước, sữa chua, phô mai, bánh kẹo, thanh năng lượng, snack...
Điều này đặt ra bài toán phát triển sản phẩm cho thị trường Việt Nam để bắt kịp xu hướng sử dụng đậu nành như một thực phẩm dẫn đầu xu hướng xanh của các nước trên thế giới.
Tốt cho nông dân, nông nghiệpĐậu nành còn được xem là “nhà máy sản xuất đạm tự nhiên” nhờ các nốt sần trong rễ cây, giúp cải thiện đất thông qua khả năng hấp thụ nitơ tự nhiên. Chính bởi tính thân thiện với môi trường này mà đậu nành được các nhà khoa học khuyến cáo lựa chọn để trồng luân canh giữa hai mùa vụ, qua đó cải thiện chất đất và nâng cao năng suất cây trồng vụ sau.
Nhưng, trong thực tế, nông dân Việt Nam lại chẳng mặn mà với cây đậu nành và diện tích đất trồng đậu nành tại nhiều địa phương đang bị thu hẹp do chất lượng giống ngày càng thoái hóa và trình độ cơ giới hóa còn thấp, không thể cạnh tranh với các vùng nguyên liệu nước ngoài về giá. Số liệu cho thấy sản lượng đậu nành trong năm 2012 đã giảm 34,3% so với năm 2011, chỉ còn 175,2 nghìn tấn.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Huỳnh Sơn Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) cho biết, VSAC đang nghiên cứu để phục tráng giống đậu nành truyền thống thơm ngon ở Cư-Jút, dự kiến trong vòng 3-5 năm tới sẽ hoàn thành việc phục tráng các đặc tính tốt của giống đậu nành địa phương, tiến tới việc đưa ra giống đậu nành mới phù hợp với điều kiện trồng trọt của Việt Nam.
Đồng thời, VSAC cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia (Mỹ) - đối tác chiến lược của VSAC nhằm tìm ra bổ sung những đặc tính chống, chịu hạn, sâu bệnh cho giống đậu nành truyền thống của Việt Nam để giúp cho nông dân nâng cao chất lượng canh tác.
Trong tương lai, Vinasoy sẽ hỗ trợ thu mua, chế biến sau thu hoạch để công ty có nguồn nguyên liệu ổn định, nhằm mang lại những sản phẩm có hương vị thơm ngon, phù hợp với khẩu vị người Việt Nam, cũng như đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho nông dân.
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy cho biết: “Vinasoy đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa sản phẩm giải khát từ đậu nành hơn nữa dành cho người tiêu dùng, tiên phong thổi làn gió mới cho đậu nành tự nhiên tại Việt Nam”.