Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam tiềm ẩn nhiều bất ổn, nỗ lực tổ chức hội nghị này là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc tạo tiền đề duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Nợ xấu vẫn là điểm nghẽn gây khó khăn cho nền kinh tế (ảnh minh hoạ). |
Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định vai trò của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện nay. “Trọng tâm chương trình tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tăng cường hạ tầng tài chính, đổi mới cơ chế ổn định tài chính" - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, việc tái cấu trúc này nhằm đảm bảo cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường kết nối, phối hợp khu vực và quốc tế, đặc biệt là đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính và đề cao vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế nhằm đối phó hiệu quả hơn với các rủi ro hệ thống.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn cũng khẳng định: Từ những di chứng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát tiếp tục và đẩy mạnh lộ trình cải cách tài chính một cách mạnh mẽ, tăng cường phối hợp chính sách và giám sát thị trường một cách hiệu quả hơn.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, cuối năm 2011 thanh khoản thị trường có vấn đề là thời điểm khó khăn nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ do nợ xấu lớn và mất khả năng thanh khoản. Tâm lý thị trường lúc ấy rất nặng nề, tuy nhiên chúng ta đã khéo léo vượt qua vì có những giải pháp của Chính phủ để đảm bảo lòng tin người dân.
Chính phủ đảm bảo quyền lợi người gửi tiền để ngân hàng tiếp tục huy động vốn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ tạm thời cho các ngân hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, chúng ta kiểm soát hoạt động để không cho các ngân hàng có khó khăn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm hay mở rộng kinh doanh.
“Điều này hạn chế khó khăn và cải thiện tình hình các ngân hàng và hiện nay cả hệ thống đã khá hơn. Theo tôi, trước mắt phải xử lý nợ xấu để dòng máu nền kinh tế lưu thông tốt hơn”- ông Ngoạn khẳng định.
Bên lề hội nghị, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vấn đề nợ xấu đã được đưa ra bàn thảo một thời gian nhưng hướng giải quyết lại rất chậm, ông Ngoạn cho rằng: “Để giải quyết vấn đề này cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Gần đây tại Quốc hội, chúng ta mới đặt lộ trình tới 2015 đưa nợ xấu dưới 3%”.
“Nhưng hiện nay cải cách ngân hàng vẫn chưa có bước đột phá đặc biệt là vấn đề sở hữu chéo” - phóng viên hỏi. Ông Vũ Viết Ngoạn khẳng định: “Một số khó khăn thực tế của chúng ta đã tích tụ từ lâu và để giải quyết cần có thời gian. Trước hết phải nhận dạng được rủi ro đó và thực tế là chúng ta đã làm được điều này. Thứ 2 là cần phải bổ sung hoàn thiện quy chế để ngăn rủi ro tương tự. Tư tưởng chung của các cơ quan quản lý hiện nay là kiên quyết đẩy mạnh cải cách ngân hàng nhanh nhất có thể. Tôi nghĩ thời gian tới, chúng ta sẽ có bức tranh cụ thể hơn về vấn đề này”.
Hương Thủy