Dân Việt

Từ "hiệp sĩ công nghệ thông tin" thành anh nông dân "buôn" rau

Nguyễn Trần Huy Phong là "hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2004" của tạp chí eChip. Bây giờ, anh là ông chủ của trang web vuonrau.com. Tự trồng, tự bán rau qua internet, làm thêm luôn dịch vụ du lịch vườn rau, anh bảo, mình chỉ là một người nông dân thức thời mà thôi.
Sao tự dưng bỏ nghề IT đi bán rau vậy Phong?

Với kinh nghiệm hơn 12 năm làm về công nghệ thông tin và biết đến thương mại điện tử từ những ngày đầu, thương mại điện tử ở Việt Nam còn chậm do giao hàng và thanh toán còn hạn chế.

Ở nước ngoài, cái gì người ta cũng bán qua mạng được và rau người ta đã giao tận nhà từ rất lâu rồi. Với việc thanh toán qua ngân hàng online đã bắt đầu tiện dụng, vuonrau.com ra đời không sớm cũng không trễ, người dùng có thể đặt hàng, trao đổi thông tin, chăm sóc khách hàng rất tiện lợi.

Giao hàng vẫn đang là vấn đề khó khăn nhất cho việc bán rau qua mạng. Từ vườn đến tận cửa nhà, là cả một chặng đường dài, làm sao khách nhận đúng giờ, mà rau củ vẫn phải tươi ngon, khách chọn COD (thanh toán khi nhận hàng) cũng là một thách thức vì rau củ không thể đem về được như các mặt hàng khác.

Rồi làm ăn có khấm khá không “hiệp sĩ”?

Thị trường online đang là một thị trường mới nổi nhưng đầy tiềm năng, tuy nhiên số lượng lại rải khắp bản đồ địa lý, việc chăm sóc cho nhóm nhỏ khách hàng nhưng trên diện rộng, thực sự là một thách thức.

Đã có rất nhiều công ty và trang trại có website, nhưng họ không chú trọng đến việc bán online. Tụi mình đã trở thành đơn vị thử nghiệm trước đám đông. Sau tết âm lịch 2014 vừa rồi, đã có khá nhiều website, shop online đã tham khảo cách làm, thậm chí có cả website bê nguyên xi giao diện và sản phẩm để tham gia thị trường này.

Mấy loại rau lạ như cây gia vị nước ngoài có phải là “tuyệt chiêu” mới để hút khách không?

Đem một hạt giống từ xứ khác về Việt Nam, tìm hiểu cách chăm sóc và chăm sóc thành một sản phẩm cụ thể. Những khách hàng là những người đi xa, hiểu biết nhiều, khi nhận được những sản phẩm như cây gia vị nước ngoài. Họ sẽ hiểu mình không chỉ là một nơi mua bán tiện lợi, mà chắc chắn là những đầu tư về công sức về cả chiều sâu lẫn chất lượng.

Và đó chính là thông điệp ngầm mà mình muốn đem lại cho khách hàng.

Bán rau qua mạng, rồi tiếp theo là gì?

Khách là người thành phố, bất cứ khi nào có dịp đi Đà Lạt đều có nhu cầu ghé thăm vườn rau, vừa để trải nghiệm tận mắt chứng kiến cách sản xuất trồng rau, vừa muốn tránh những tour thông thường đến những điểm tham quan. Còn nhu cầu làm nông dân, thì lại là một xu hướng khác, đó là chăm sóc rau củ tại nhà. Tụi mình đang cung cấp rau chậu cho khách trồng tại nhà và khách rất thích thú với loại hình này.

Phong bảo đây là con đường vạn dặm, làm gì mà xa dữ vậy?

Trở ngại đầu tiên là vận chuyển, tiếp theo là hướng dẫn bảo quản, khách hàng chưa phân biệt được hàng Đà Lạt, hàng Trung Quốc, khách hàng không thích vẻ bề ngoài của rau củ trên ảnh thôi. Trở ngại lớn nhất là vấn đề từ đầu, đó là truyền thống.

Đã có rất nhiều bạn bè báo lại rằng, sau khi đem thùng rau về nhà thì mọi người ở nhà bảo là rau củ mua gì vừa mắc vừa phức tạp, ra chợ thích gì mua nấy, vừa nhanh vừa rẻ vừa tiện.

Có bạn cố gắng ủng hộ đến thùng thứ ba thì thua, vì vẫn bị phàn nàn bởi người nhà: “chuyện chợ búa mà cứ đòi can thiệp”. Có bạn thì hứa sau khi ra ở riêng sẽ ủng hộ hết mình. Có bạn thì chỉ mua cho biết thôi. Có bạn thì ăn mấy loại đó hoài cũng ngán. Xem ra, con đường phía trước, chắc chắn không chỉ có mỗi ổ voi...