Theo ông Edward Miller, thế giới theo dõi hành động của Trung Quốc, không chỉ ở Biển Đông, mà cả trong cách họ xử lý vấn đề tranh chấp với Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông.
Trong những ngày qua, dư luận quốc tế đã liên tục thể hiện sự ủng hộ đối với chủ trương của Việt Nam tìm kiếm các biện pháp hòa bình, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Trung Quốc ngày càng ngang ngược, chưa hết khiêu khích Việt Nam, cùng lúc Trung Quốc quay ra khiêu khích cả Philippines và Nhật Bản.
Trong tất cả các trường hợp, Trung Quốc đều la lớn, vu cáo và cho rằng mình vô tội. Trung Quốc tin rằng với chiêu trò “cả vú lấp miệng em”, mọi chuyện sẽ được đánh lạc hướng đúng như họ mong muốn. Tuy nhiên, trái lại, thế giới đã dần quen với kiểu xảo quyệt này và với chiêu trò rập khuôn, đuôi cáo của Trung Quốc ngày càng lộ rõ.
Với Việt Nam, Trung Quốc đã đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa tàu chiến vào bảo vệ giàn khoan và dùng tàu hải giám đâm chìm tàu cá của Việt Nam… Tuy nhiên, trước làn sóng chỉ trích dữ dội của dư luận Việt Nam và thế giới, Trung Quốc lại làm trò ngụy tạo chứng cứ, vu khống tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Hơn một tháng trôi qua kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, những đoạn video quay cảnh tàu Trung Quốc ngang ngược, vô nhân đạo, đâm va, tấn công vòi rồng, đâm chìm tàu Việt Nam đã được phát đi trên toàn thế giới. Thế giới đủ văn minh để hiểu được hành động vô nhân đạo này của Trung Quốc.
Với Nhật Bản, những căng thẳng tranh chấp hòn đảo Senkaku vẫn không ngừng giảm. Cùng lúc, Trung Quốc vừa với tay phải ra Biển Đông, vừa chĩa tay trái ra Biển Hoa Đông. Trung Quốc tìm đủ mọi cách để khiêu khích láng giềng. Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu bay áp sát máy bay Nhật Bản trên không phận ở khu vực này. Hành động này, đã khiến Nhật Bản nổi giận, nhưng Trung Quốc lại cho rằng, máy bay của Nhật Bản đã “tạo ra tình huống nguy hiểm”.
Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang muốn khiêu khích Nhật Bản. Một số khác cho rằng, Trung Quốc đang đánh lạc hướng dư luận quốc tế để không quá tập trung vào một sự vụ nào. Trung Quốc muốn làm “loãng” sự quan tâm của thế giới ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông. Song, giới chức Tokyo cho rằng, mục đích của Bắc Kinh không đơn giản như vậy.
Ngày 12.6, Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc tới để phản đối việc các máy bay chiến đấu của Bắc Kinh bay gần "một cách nguy hiểm" hai máy bay quân sự của Nhật trên biển Hoa Đông. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 3 tuần, Nhật Bản tố cáo Trung Quốc có hành động tương tự trên không phận gần quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Cùng ngày, Bắc Kinh cho rằng việc Nhật Bản cáo buộc máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay "gần một cách bất thường" các máy bay quân sự của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông là nhằm "đánh lừa cộng đồng quốc tế” và cáo buộc máy bay Nhật đã gây nguy hiểm cho máy bay Trung Quốc.
Chưa nói đến chuyện đúng sai, chỉ thấy rằng, với tất cả các tình huống với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc đều lu loa mình vô tội.
Tiến sĩ Edward Miller nhận định, những bước đi hôm nay của Trung Quốc đã được tính toán từ rất lâu và rất kỹ, với mục đích để thay đổi hiện trạng từng bước từng bước một theo thời gian. Ông Edward Miller cho rằng, với kiểu đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam, thì đây là lần đầu tiên Trung làm điều này. Nhưng Trung Quốc có thể lặp lại trong tương lai bởi họ đã đầu tư rất nhiều tiền vào giàn khoan dầu này.