Nhiều nhân văn thi sĩ nước ta đã đưa chuyện ăn uống lên hàng nghệ thuật và nghệ thuật ẩm thực đã chiếm một phần thiết yếu trong sáng tạo của họ. Ai đã từng đọc Thú ăn chơi của Tản Đà, Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Phở của Nguyễn Tuân, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Đất nước quê hương của Võ Phiến v.v.. hẳn không thể nào quên cái thú thanh cao trước những món ăn đậm đà hương vị dân tộc. Bên trên món ăn là bóng dáng của quê hương đất nước được biểu hiện qua những khía cạnh vi tế của tâm hồn con người. Nghệ thuật ăn uống, văn hoá ăn uống thực sự có vị trí cao trong sinh hoạt cá nhân cũng như trong cộng đồng.
Đối với các nhà thơ Bình Định, món ăn ở Bình Định cũng ngân rung nhiều cung bậc trong sự ghi nhớ và tưởng nghĩ. Nó như một điểm tựa của ký ức khi họ nghĩ đến quê hương và những người thân, cái góc vời vợi của tuổi thơ tiếp sức cho những chặng đường đời khúc khuỷu buồn vui thương nhớ. Nguyễn Khuê, một danh sĩ Bình Định thế kỷ XIX từng “điểm danh” các món khi sáng sáng ra sông giở cái bò đơm cá: “Tôm càng đập dập kho cùng cải- Cá chạch dần sơ nấu cúc ngò”.
Những món ăn dân dã ấy của đồng quê Bình Định đã có tự bao đời và nếu bây giờ, người nông dân Bình Định còn bảo tồn được trên mâm cơm thường ngày của họ, thật hạnh phúc biết dường nào! Mà chẳng cứ gì người nông dân, ai trong chúng ta chẳng tìm thấy trong đó vị ngọt ngào thân thuộc của gió nội hương đồng!
Ở Chế Lan Viên, dòng kỷ niệm tuổi thơ lại tuôn chảy qua một món ăn đầy tình quê, tình mẹ: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế- Khế trong vườn thêm một tí rau thơm- Ừ thế đó mà một đời xa cách mẹ- Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!”.
Cái món khế nấu canh ấy gắn bó với miền Trung nắng lửa mưa dầu, tiếng phổ thông là canh chua cá lóc nhưng Bình Định gọi canh cá tràu. Nó đau đáu qua những dòng thơ Yến Lan, trong một cảnh huống xót xa: “Khế chua chị nấu lá mồng tơi- Em ước cùng ăn đến trọn đời- Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục - Chị đi bát đũa cũng mồ côi!”. Khế chua nấu với lá mồng tơi là một món ăn “đối phó” của con nhà nghèo, tận dụng cây nhà lá vườn chứ không phải đúng bài bản nghi thức.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh thương tâm của mình, Yến Lan đã nhận ra ý nghĩa quý giá vô ngần của món ăn và truyền sang bạn đọc niềm xúc động chân thành. Theo dòng rung cảm ấy, mùi cá nướng sông Kôn cũng đượm đà, bàng bạc, ngùi ngùi lan toả cả một vùng quê: “ Than Cù Lâm nướng cá sông Kôn- Mịt bến Trường Thi vị khói thơm- Xưa mẹ nuôi con từng miếng nạc- Phần mình xương xẩu cũng khen ngon!”.
Chính tình nghĩa con người thiêng liêng hoá các món ăn đơn sơ mộc mạc, nâng nó lên một cách trang trọng trong đời sống tinh thần. Nó là nguồn an ủi, nhất là tuổi già bóng xế của Yến Lan: “ Cải xanh Bắc thảo khéo tay trồng- Cháu nén làm dưa mang tặng ông- Nấu bát canh chua ông húp nước- Tình nhà chẳng phụ chiếc răng long”. Bởi thế nên hồi còn khoẻ mạnh, rong ruổi trên những dặm đường xa, hương vị Bình Định luôn quấn quít lấy ông: “ Trưa ghé Yên Chấu núp bóng xoài - Mùi hương Bình Định thoảng đâu đây- Bỗng nhiên chén rượu Tây Trang tiễn- Trăm suối qua rồi mới bốc say !”. Đó cũng là tình cảm chung của người xa quê. Xuân Diệu lúc sống trên đất Bắc, trong lòng cũng đầy ắp nỗi thương nhớ mái nhà tuổi thơ với phong vị Bình Định, để lúc về thăm thấm thía vỡ òa kỷ niệm: “Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ giòn giòn- Những ngọt bùi của quê má thân thương- ...
Với các nhà thơ Bình Định, món ăn Bình Định đã để lại dư vị khó phai mờ. Tùy bút Quê hương tôi của Tràng Thiên được học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá là “sâu sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú đa dạng hơn” đã thể hiện hết sức sắc và nồng đượm về đất và người Bình Định qua những nước chè, bánh tráng, nước mắm, mắm cua…
Tình yêu thiết tha với nơi chôn nhau cắt rốn và những giá trị văn hóa dân tộc, qua ngòi bút tài hoa của Tràng Thiên đã làm cho những vật tưởng chừng vô tri bỗng lấp lánh hồn vía cũng như tiềm tàng sâu nặng nghĩa tình của quê hương và đất nước.
Một trái chà viên hoang dại trên rừng được mang ra sánh với trái loòng boong- loại Nam trân mà triều Nguyễn ưa thích, một mùi cá bống cát sông Lại kho tiêu, một vị mắm nhum cửa Hà Ra, một hương trà cam khổ Ân Tín, một thơm tho xoài tượng Hương Sơn, một béo ngậy ốc bươu Bàu Um v.v…tất cả hồn quê Bình Định hiện lên trong ngòi bút ông, tinh tế, sum suê.
Một con người thông thái cả cổ học lẫn Tây học, được Tản Đà tiên sinh gọi cố nhân, người đã góp phần với ba người bạn Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên định danh cho đất này một phẩm hàm văn chương “Bàn Thành Tứ Hữu”, lại là người đầy chất trào lộng, đã từng đùa vui với phụ nữ: “Em ơi đừng chê anh già- Xưa nay gừng quế ai mà dùng non!”.
Trong lời thơ hóm hỉnh này, nghĩ tới nghĩ lui, hóa ra, "đàn ông" cũng thành món, thành vị trong thực đơn của đàn bà! Hàn Mặc Tử bạn ông thì trừu tượng hóa, siêu thực hóa mối tình bi thiết thành một “thực đơn vũ trụ”: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói- Gió trăng có sẵn làm sao ăn-Làm sao giết được người trong mộng- Để trả thù duyên kiếp phụ phàng”.