“Bắt tay” chống dịch
Những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên được đặc biệt quan tâm. Trong đó, sự có mặt kịp thời của dự án LIFSAP như liều vắc xin mạnh trấn át dịch bệnh. Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó GĐ BQL LIFSAP Hải Dương cho biết, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong mùa nắng nóng hiện này là việc làm hết sức cần thiết.
“Mỗi tỉnh có dự án thường tự triển khai theo một sườn chung, nhưng không tỉnh nào giống nhau vì quy mô SX cũng như hình thức phát triển là khác nhau”, ông Sơn cho hay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các tỉnh thường xuyên kết nối, cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Mỗi lứa xuất chuồng, người chăn nuôi lãi từ 3 – 400.000 đồng/con.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Hải Dương và Hưng Yên không có dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Đầu năm 2014, dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại Văn Lâm (Hưng Yên), hai huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc (Hải Dương). Dẫu vậy, dịch xuất hiện trên quy mô nhỏ, được khoanh vùng và dập tắt nhanh chóng. Phải chăng dịch cúm gia cầm tại hai tỉnh xuất hiện do tình trạng buôn bán liên tỉnh?
Theo Bác sĩ Thú y Ngô Xuân Tùng (LIFSAP Hải Dương), nguyên nhân cúm gia cầm xuất hiện ở Hải Dương được xác định là do lây nhiễm bởi lượng gà buôn lậu từ Trung Quốc. Giả thiết cúm H5N1 lây nhiễm liên tỉnh là hoàn toàn không có căn cứ. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch cúm xuất hiện tại Hưng Yên, Hải Dương đã siết chặt tình trạng buôn bán gia cầm. Tại các cung đường thông thương, nhiều chốt kiểm dịch liên ngành được dựng lên, tăng cường kiểm soát dịch bệnh.
Phòng hơn chống, hai tỉnh đã “bắt tay” dập dịch kịp thời. Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Hải Dương), ông Nguyễn Văn Cần cho hay, công tác thông báo, hỗ trợ nhau được tiến hành thường xuyên giữa ngành NN hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. “Như đợt dịch cúm gia cầm vừa qua, công tác phối hợp giữa hai tỉnh là rất quan trọng. Khi có dịch, chúng tôi đã thông báo cho nhau kịp thời, khoanh vùng dập dịch, lập chốt kiểm dịch, đồng thời tiêm vắc xin bổ sung trên đàn gia cầm…”.
Ông Nguyễn Anh Sơn cho biết, hằng năm, giữa các đơn vị LIFSAP cấp tỉnh thường có các buổi tập huấn nghiệp vụ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Những buổi tập huấn như vậy thường diễn ra trong 1 – 2 ngày, chủ yếu là dành thời gian đi tham quan các mô hình.
Thành phần tham gia số ít là cán bộ dự án mà đa phần chính là những hộ nông dân có quyết tâm học hỏi, làm giàu. “Có năm chúng tôi bố trí cho 40 người đi tham quan, học hỏi các mô hình điểm. Nhưng thường thì một năm chỉ tổ chức được một lần thôi”, ông Sơn chia sẻ. Ngoài Hưng Yên, Hải Dương còn liên kết với một số tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng thậm chí tận Thanh Hóa để học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGahp.
Không chết cũng kêu
Vị Bác sĩ thú y Ngô Xuân Tùng nhắc lại câu chuyện về bác nông dân tại hội nghị tổng kết khiến chúng tôi cười chảy nước mắt. “Trước đây lợn chết nhiều cũng kêu, giờ chăm tốt quá lợn không chết cũng kêu. Nói thế nhưng chỉ là chuyện vui thôi”, ông Tùng cười. Ngành chăn nuôi Hải Dương, Hưng Yên đang phát triển mạnh mẽ theo hướng VietGahp.
Tổng đàn lợn toàn tỉnh Hải Dương tính đến ngày 1/4 đạt trên 550.000 con, gà đạt trên 8,5 triệu con. Tỉ lệ lợn chết khoảng 2 – 8%, chủ yếu là lợn con. Lợn thịt bị ốm, chết gần như không có. Hiện Hải Dương đã xây dựng được 4 vùng dự án tại 16 thuộc các huyện Thanh Hà, Cẩm Giàng, Ninh Giang và Kinh Môn. Còn tại Hưng Yên, đến tháng 3/2014, đã có trên 600 hộ được tham gia vào vùng Gahp của dự án LIFSAP.
Trại lợn của chị Nguyễn Kim Định, thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang – Hải Dương) nằm gọn trong 1,7 mẫu đất được vượt lên từ ruộng xấu. Năm 2005, gia đình chị Định bắt đầu nuôi lợn. Hiện tại trong chuồng lúc nào cũng có trên dưới 60 con lợn.
“Từ khi được tham gia lớp tập huấn của LIFSAP, nhận thức về chăn nuôi của chúng tôi thay đổi hẳn. Từ cách chăm sóc, xây dựng chuồng trại đều phải đúng quy định”. Nửa tháng một lần, 200 mét vuông trại lợn nhà chị Đính lại được phun thuốc khử trùng. Trừ chi phí, mỗi đầu lợn gia đình chị Định lãi từ 300 – 400 nghìn đồng. Xã viên Hà Văn Vụ (cùng thôn Ngọc Hòa) chia sẻ, ông đến với chăn nuôi VietGahp từ tháng 8/2013 qua chương trình tập huấn của LIFSAP.
“Nhà tôi đang nuôi 20 nái, 100 thịt loại to, loại bé 50. Chăn nuôi kiểu mới này giảm hẳn được bệnh tật. Gia đình tôi không hoạch toán chi tiết nhưng chắc chắn lợi ích kinh tế hơn hẳn chăn nuôi kiểu truyền thống”. Chị Tạ Thị Loan, xã Tân Tiến (Văn Giang – Hưng Yên) phấn khởi dẫn chúng tôi đi thăm “đàn lợn VietGahp” của gia đình. “Nuôi lợn mà theo cái anh VietGahp này đúng là nhất chú ạ. Lợn đỡ bệnh tật hẳn, chăn nuôi giờ nhàn hơn xưa nhiều. Mỗi lứa xuất chuồng cũng lãi được vài trăm nghìn một con”.
Ông Nguyễn Văn Mỵ, Cán bộ LIFSAP phụ trách huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết, hiện đã có 5/28 xã, thị trấn trên địa bàn được tập huấn kĩ thuật chăn nuôi theo hướng VietGahp. Ngày 6/5 – 14/5 tới đây, LIFSAP Hải Dương sẽ tiếp tục tập huấn cho người dân Ninh Giang. “Như xã Vĩnh Hòa, ban đầu chỉ có vài hộ đăng kí tham gia, sau thấy lợi ích của chương trình, cả trăm hộ đã xin được đi tập huấn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập huấn cho toàn bộ các xã trong huyện”, ông Mỵ thông tin.
Thực tế từ địa phương cho thấy, sự sống còn của VietGahp phụ thuộc hoàn toàn vào sự liên kết của chính quyền địa phương, người chăn nuôi và dự án. Mỗi xã thường xuyên cắt cử 2 thành viên theo dõi mảng chăn nuôi – thú y. Từng thôn xóm thành lập nhóm chăn nuôi – 5 hộ một nhóm, bầu ra một nhóm trưởng. Hằng ngày, nhóm trưởng có trách nhiệm đi kiểm tra vệ sinh chuồng trại, nhắc nhở các hộ đảm bảo việc tiêu độc khử trùng cho vật nuôi.
“Cứ 15 – 16 hằng tháng là các nhóm họp, tổng hợp báo cáo lên huyện. 20 huyện tổng hợp đầy đủ rồi báo cáo lên cấp tỉnh”, ông Mỵ nói. Năm hai đợt vào tháng 3 và tháng 9, các cán bộ của LIFSAP lại xắn quần, cùng với người dân tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi.