Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên đã bỏ phiếu đồng ý tiến hành vòng đàm phán cuối cùng về hiệp ước trên từ ngày 18 đến 28.3.2013 tại New York, Mỹ. Ngoại trưởng các nước Argentina, Australia, Costa Rica, Phần Lan, Nhật Bản, Kenia và Anh (những nước soạn thảo nghị quyết) đã ra tuyên bố chung hoan nghênh quyết định của Đại hội đồng LHQ.
Hiệp ước này trước đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) của Mỹ. Các đại diện tại LHQ cũng như các nhà vận động kiểm soát vũ khí cho rằng các cuộc đàm phán trên đã đổ vỡ hồi tháng Bảy vừa qua chủ yếu do Tổng thống Mỹ Barack Obama lo ngại bị đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney công kích trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6.11 nếu chính phủ của ông ủng hộ hiệp ước này. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã bác bỏ nhận định này.
Biểu tình phản đối bạo lực súng đạn ở Mỹ. Ảnh Reuters |
NRA, vốn đang phải hứng chịu chỉ trích gay gắt do phản ứng đối với vụ xả súng ngày 15.12 làm 20 trẻ em và sáu giáo viên thiệt mạng tại một trường tiểu học ở Newtown, bang Connecticut, đang phản đối hiệp ước trên và gây sức ép đòi ông Obama bác bỏ nó. Tuy nhiên sau khi ông Obama tái đắc cử, chính quyền của ông đã ủng hộ việc nối lại các cuộc đàm phán này.
Trong khi đó, tại Mỹ kiểm soát súng cũng đã trở thành trọng tâm các cuộc thảo luận trên toàn nước Mỹ sau vụ thảm sát trường tiểu học. Một cuộc thăm dò ý kiến của CNN/ORC International cho thấy 52% số người được hỏi ủng hộ các hạn chế lớn về súng hoặc khiến việc sở hữu mọi loại súng ống trở thành bất hợp pháp.
Trong diễn biến liên quan, ngày 24.12, một vụ xả súng nữa cũng đã làm hai người thiệt mạng ở Mỹ. Williams Spengle, 62 tuổi từng có tiền sử giết người đã tạo ra một vụ cháy nhà, gọi điện khẩn cấp đến lực lượng cứu hỏa New York, rồi nấp và bắn chết hai lính chữa cháy, bắn hai người khác bị thương trước khi tự tử.
Quang Minh