Dân Việt

Thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh từ 1.7

19/04/2011 16:49 GMT+7
(Dân Việt) - Theo quyết định của Chính phủ, từ 1.7.2011 sẽ thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh. Theo ý kiến các chuyên gia, áp lực tái cơ cấu ngành điện đang là thách thức không thể trì hoãn.

Sẽ sớm phân tích giá thành của điện

Theo tin từ Bộ Công Thương, Bộ đã giao Cục Điều tiết điện lực thành lập tổ công tác chuyên trách chuẩn bị vận hành thị trường phát điện cạnh tranh.

 img
EVN hiện vẫn là đơn vị nắm chủ đạo các khâu sản xuất, điều độ và truyền tải điện ở nước ta.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, Cục đang phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và trình Bộ xem xét, phê duyệt kế hoạch chi tiết các công việc chuẩn bị cho thị trường này. EVN đang hoàn thiện hệ thống mạng đường truyền kết nối tới các nhà máy điện tham gia thị trường phục vụ cho các yêu cầu tối thiểu để vận hành thí điểm thị trường, đặc biệt là công tác chào giá trên thị trường.

Trước 30.5, các đơn vị có liên quan sẽ hoàn thành tách giá hợp đồng mua điện hiện tại của các nhà máy nhiệt điện có giá một thành phần thành giá hai thành phần là cố định và biến đổi để có thể sử dụng các thành phần giá điện tạm thời này phục vụ việc tính toán vận hành thị trường điện.

Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm thị trường điện cạnh tranh vẫn đặt ra nhiều băn khoăn. Vẫn là câu hỏi “xưa như Trái đất” xoay quanh việc EVN vừa sản xuất, vừa điều độ, truyền tải lại vừa kinh doanh thì sẽ không thể có sự minh bạch, độc lập và công bằng trong việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có 82 nhà máy điện công suất từ 30MW trở lên được tham gia vào thị trường điện cạnh tranh, trong số này các nhà máy thuộc sở hữu của EVN chiếm tới 70%.

Tách nhà máy điện ra khỏi EVN

img Nếu đã là thị trường cạnh tranh thì phải có nhiều người mua, nhiều người bán. Những quy định như “tăng giá trên 5% thì EVN phải báo Bộ Công Thương, dưới 5% thì được tự quyết” là những quy định thiếu rõ ràng, cụ thể. Như vậy, việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh là thiếu thực chất, chỉ là một cách nói. img

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực VN cho rằng: Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ thực hiện trên cơ sở ai chào giá rẻ sẽ mua trước, giá đắt sẽ mua sau. Do đó, để giải quyết tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi, ưu tiên nội bộ” thì phải khẩn trương tách các nhà máy ra khỏi sở hữu của EVN, nếu chưa tách được ngay thì phải thử cạnh tranh với nhau, rồi mới đến cạnh tranh với các đơn vị bên ngoài. “Chỉ khi có nhiều nhà đầu tư thì mới có điều kiện để từng bước xây dựng thị trường cạnh tranh về phát điện, tiến tới có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa” - ông Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chưa thể triệt để khi mà vấn đề cung cầu nguồn điện vẫn đang là mớ bòng bong chưa giải quyết được. “Vẫn sẽ tái diễn tình trạng nhà máy điện nhỏ sản xuất ra điện nhưng sẽ ế thừa, trong khi nguồn cung điện vẫn thiếu. Lý do bởi vận hành thị trường điện cạnh tranh nhưng lưới điện vẫn không đủ khả năng truyền tải. Do đó, thực hiện thị trường điện cạnh tranh hay không, vẫn chưa thể giải quyết được một số vấn đề cơ bản của ngành điện như thiếu điện và cạnh tranh bình đẳng” - ông Long nói. “Trước mắt, việc đưa thị trường điện vào thực hiện theo lộ trình cạnh tranh 3 cấp độ cộng với việc cho phép từ 1.6 này thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, sẽ cho thấy khả năng giá điện sẽ theo chiều hướng tăng mạnh” - ông Long cho biết...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong bối cảnh chúng ta chỉ mới có thể mở cửa thị trường cạnh tranh về phát điện chứ chưa thể mở thị trường cạnh tranh cho tất cả các khâu khác thì cần phải có nhiều hơn nữa sự giám sát, phản biện của các cơ quan độc lập để tìm ra phương án phát triển và từng bước hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh.