Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Anh Tuấn ở Kinh Môn (Hải Dương) cho biết: "Chúng tôi mệt mỏi quá rồi, đi đòi nợ mà cứ như đi… ăn xin ấy. Họ hứa với mình 3 lần, đến lần này là lần thứ 4 cũng chẳng có ai tiếp, cửa nhà vẫn đóng kín, gọi điện thoại thì không nghe".
Các công nhân đang sống vạ vật tại Hà Nội chờ được trả lương. |
Suốt buổi sáng qua, toàn bộ công nhân cứ vất vưởng chờ đợi với hy vọng bà Huệ sẽ đúng hẹn nhưng cho đến trưa cùng ngày cũng không hề thấy bóng dáng chủ nợ đâu. Đến đầu giờ chiều, 20 công nhân lại kéo nhau sang Công ty CP Cavico Xây dựng nhân lực và dịch vụ là đơn vị tuyển dụng, hợp tác với Tramanco đưa lao động đi Libya.
Trao đổi với NTNN, ông Đào Ngọc Quế - Phó Giám đốc Công ty CP Cavico Xây dựng nhân lực và dịch vụ cho biết: "Qua cuộc họp với công nhân, chúng tôi đã thống nhất sẽ hỗ trợ đòi nợ cho họ để đỡ mất thời gian đi lại. Tuy nhiên, để hợp thức hoá, người lao động cần có giấy uỷ quyền với công ty chúng tôi, hiện tại đã có công nhân làm giấy uỷ quyền".
Theo ông Quế, sau khi có sự uỷ quyền của người lao động, công ty đã trao đổi với bên Công ty Cung ứng dịch vụ hàng không, nơi bà Huệ đang công tác và được biết tới 20.4 mới có trả lời chính thức về việc trả nợ cho công nhân.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Đâu - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không cho biết: Trước đây, bà Ngô Minh Huệ là Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động và chuyên gia (Công ty Tramanco) nhưng mới chuyển sang công ty của ông và giữ chức danh quyền Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động, tuy nhiên vẫn ở trong thời gian thử thách.
Ông Đâu cũng khẳng định, toàn bộ sự việc bà Ngô Minh Huệ nợ tiền của công nhân là có thật. "Hiện chúng tôi đã báo cáo sự việc với công an và có văn bản đầy đủ gửi lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH). Chị Huệ cũng đã cam kết với bên công an sẽ trả tiền cho người lao động vào ngày 20.4 tới, nếu không chị Huệ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Đâu cho biết. Thông tin về vụ việc chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tới độc giả.
Phi Long