Lo ngại trước nguy cơ Iraq rơi vào tay các lực lượng Hồi giáo cực đoan sau khi các tay súng thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đánh chiếm thêm hai thành phố và đang áp sát thủ đô Baghdad, ngày 13.6 Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ quyết định cách thức giải cứu Iraq trong vài ngày tới.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng khẳng định tình hình bất ổn hiện nay tại Iraq không chỉ nguy hiểm đối với nước này, mà còn là một nguy cơ đe dọa sự ổn định của toàn bộ khu vực và lợi ích quốc gia của Mỹ.
Người dân Iraq tình nguyện tham gia cuộc chiến chống các tay súng "khủng bố" tại trung tâm tuyển quân ở thủ đô Baghdad ngày 13.6. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Obama cho biết nhóm an ninh quốc gia của Nhà Trắng đang tiếp tục cân nhắc mọi phương án, trong đó có cả giải pháp quân sự, để giúp giải cứu Iraq. Mặc dù cam kết trước mắt sẽ tăng thêm viện trợ quân sự, song ông Obama khẳng định Washington sẽ không bao giờ điều động lực lượng bộ binh đã rút khỏi Iraq cách đây hơn ba năm trở lại chiến trường này. Tổng thống Obama nhấn mạnh trước hết Chính phủ của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phải chịu trách nhiệm chính trong việc tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay vì “sự hỗ trợ của Mỹ, ngay cả bằng biện pháp quân sự, cũng không làm thay đổi tình hình”.
Một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã tiết lộ với báo giới rằng trong số các biện pháp mà chính quyền Obama đang cân nhắc, có cả việc tiến hành một cuộc không kích và gia tăng các hoạt động do thám theo đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Iraq.
Trong khi đó, phát biểu bên lề Hội nghị cấp bộ trưởng thảo luận về tình hình an ninh Nigieria đang diễn ra ở London (Anh), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trên thực tế Mỹ đã và đang gia tăng chuyển giao viện trợ quân sự và tăng cường các hoạt động do thám giúp Iraq. Cũng như Tổng thống Obama, ông Kerry cho rằng giải pháp lâu dài và bền vững cho tình hình Iraq hiện nay là Chính phủ của Thủ tướng Maliki và các phe phái chính trị tại Iraq phải gác bỏ các bất đồng, chia rẽ giáo phái để cùng tìm ra một giải pháp chính trị.
Trước đó, ngày 12.6, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có cuộc đàm thoại với Thủ tướng Iraq Maliki bày tỏ “đoàn kết” với Chính phủ Iraq trong cuộc đấu tranh chống các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant.
Để chuẩn bị cho việc thực thi quyết định cuối cùng của Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc đã có kế hoạch di chuyển tầu sân bay George H.W. Bush vào Vịnh Persian. Ngày 13.6, Mỹ đã điều động ba chuyến máy bay tới một căn cứ quân sự ở phía Bắc thủ đô Baghdad để sơ tán người Mỹ, chủ yếu là các nhân viên nhà thầu và dân sự, ra khỏi Iraq.
Ngày 13.6, Thủ tướng Nuri al-Maliki tuyên bố các lực lượng an ninh Iraq đã bắt đầu truy quét “các phần tử khủng bố” khỏi các thành phố và vùng lãnh thổ đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant kiểm soát.
Tình hình chiến sự tại Iraq vẫn hết sức căng thẳng. Hiện các tay súng Hồi giáo cực đoan đang chiếm giữ 2 khu vực chiến lược ở tỉnh Diyala, phía Đông Bắc Baghdad, tiến gần hơn thủ phủ Baquba của tỉnh này. Jalawla và Saadiyah là các khu vực mới nhất rơi vào tay các tay súng sau chiến dịch tấn công kéo dài 3 ngày ở Bắc Iraq, tiếp sau việc kiểm soát thị trấn Dhuluiyah và một số vùng lãnh thổ chỉ cách thủ đô Baghdad 90 km.
Trước đó, lực lượng này đã dánh chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq và đang tiếp tục tấn công vào các trung tâm dân cư đông đúc ở các tỉnh miền Bắc Iraq.