Tuyên bố của Thủ tướng hai nước đều cho thấy cả hai bên đang có các kế hoạch và quan điểm rất khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, đàm phán chỉ mang tính hình thức, còn những thay đổi trong các mối quan hệ về vấn đề khí đốt có thể không diễn ra trước tháng 6.2011, thời điểm Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và Tổng thống Ukraine Vichtor Yanukovich sẽ gặp nhau.
Nguồn cung khí đốt của Nga cho Đông Âu cũng phải đi qua Ukraine. |
Trước đó, ngày 13.4, Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov tuyên bố, ông đã thuyết phục được Thủ tướng Nga Vladimir Putin xem xét lại công thức hình thành giá khí đốt.
Đối với Kiev, việc giải quyết vấn đề này là ưu tiên trong chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Putin ngày 12.4 vừa qua. Ông Azarov thông báo: "Thủ tướng Putin cam kết sẽ giao cho Phó Thủ tướng Igor Sechin thảo luận với Chính phủ Ukraine về căn cứ của toàn bộ công thức hình thành giá khí đốt vào dịp ông Sechin thăm Ukraine ngày 19.4”.
Tuy vậy, từ Mátxcơva, ngay lập tức cơ quan báo chí Nga lại đưa ra câu trả lời cứng rắn của ông Putin: "Chúng tôi không thỏa thuận với Ukraine về việc xem xét lại các nguyên tắc hình thành giá khí đốt. Chúng tôi dựa trên cơ sở hai bên đã ký hợp đồng và hiện hợp đồng này đang có hiệu lực, và cần phải thực hiện".
Ông Putin cũng nói thêm: "Nếu Ukraine cho rằng trong hợp đồng hiện nay có những điểm gì không chính xác thì chúng tôi sẵn sàng xem xét lại".
Về phần mình, ông Azarov nói thêm rằng cá nhân ông đã chuyển cho Thủ tướng Nga một bảng giá, căn cứ vào đó Ukraine chưa chắc phải mua khí đốt đắt nhất ở châu Âu.
Ông Vladimir Omelchenko - chuyên gia thuộc Trung tâm mang tên Rozumkov, nhận định, nếu như tính tới sự khác nhau trong các chi phí vận chuyển và bảo quản khí đốt, thì giá khí đốt đối với Ukraine, sẽ như giá đối với Đức.
Nói chung, các nước châu Âu khác đều được Nga dành cho những điều kiện ưu đãi. Do Tổ hợp khí đốt Gazprom không nhượng bộ Kiev, cho nên các quan chức Ukraine nghi ngờ tính trung thực trong các tuyên bố về quan hệ đối tác và nghi ngờ việc Ukraine gia nhập Liên minh Hải quan theo đề nghị của Thủ tướng Putin, sẽ làm thay đổi được tình hình.
Trong quá khứ, giữa Nga và Ukraine vẫn luôn nổ ra “cuộc chiến” khí đốt, khiến không ít lần Ukraine bị Nga cắt đứt nguồn cung nhiên liệu này. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng của hành động này cũng lan tỏa khắp Đông Âu, khi các nước trong khu vực cũng bị vạ lây do nguồn khí cung cấp từ Nga cũng đi qua đường ống ở Ukraine.
Quang Minh