Dân Việt

Sản xuất rượu từ hoa quả tươi: Lợi lớn nhưng nông dân vẫn chưa ham

Thuận Hải 17/06/2014 07:08 GMT+7
Tăng giá trị hoa quả từ 3-5 lần; khắc phục tình trạng người trồng phải đổ bỏ trái cây vì dội hàng khi chính vụ hoặc mã xấu, quả nhỏ... Lợi ích là thế, nhưng việc nhân rộng mô hình sản xuất nước ép, rượu... từ trái cây tươi hiện vẫn rất chậm.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trễ trên là do vốn đầu tư cho việc chế biến sâu hoa quả tươi hiện nay quá lớn, công nghệ sản xuất lại chưa hợp lý...

Thoáng đầu ra, sạch môi trường

Nông dân Trần Quốc Trọng (ngụ ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, Long An) vừa khai trương cơ sở sản xuất rượu vang từ trái thanh long. Như vậy, sau hơn 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm vang thanh long của anh Trọng cũng đã được “ra lò” đúng như mong muốn.

Với tổng chi phí đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, công suất thiết kế 40.000 lít/năm, cơ sở sản xuất rượu thanh long của anh Trọng dự kiến sẽ tiêu thụ một lượng lớn thanh long loại trái nhỏ, mẫu mã xấu, không đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu…

Anh Trọng cho biết, trước đây, loại thanh long “dạt” này không được thương lái mua, hoặc mua với giá rất thấp, thậm chí nhà vườn phải đổ bỏ hoặc dùng làm phân ủ. Việc chế biến rượu vang sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm nông sản này lên từ 3 – 5 lần, lại tránh được việc ô nhiễm môi trường do nông dân đổ thanh long xuống kênh, mương...

Tại Bến Tre, nông dân Nguyễn Công Thành (Tư Thành) – chủ Khu du lịch sinh thái dã ngoại Đại Lộc (Sơn Định, Chợ Lách, Bến Tre) cũng nổi tiếng với rượu ca cao tự chế. Ông Thành cho biết, giá cả lúc trồi lúc sụt, việc thu mua thất thường khiến ông Thành nghĩ tới việc chế biến rượu ca cao để phục vụ trong khu du lịch của gia đình.

“Nhiều đoàn khách nước ngoài đến Đại Lộc cũng khen rượu ca cao ngon. Cái quan trọng là rượu có nguồn gốc trái cây, tự nhiên, đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng” - ông Thành hào hứng chia sẻ.

“Cuộc chơi” tiền tỷ

TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, chế biến rượu và các sản phẩm nước ép, mứt trái cây không khó. Tuy nhiên nhiều năm qua, tại Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào bắt tay thực hiện. Anh Trần Quốc Trọng cho biết, để đầu tư được cơ sở sản xuất rượu thanh long gồm hệ thống bồn ủ rượu, kho trữ nguyên liệu, kho chứa sản phẩm… cần có số vốn khá lớn.

“Cái khó nữa là hiện trong nước chưa có công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ trái cây, hơn nữa, các dụng cụ, máy móc phải mua từ nước ngoài với giá rất cao” - anh Trọng cho biết thêm.

"Để lấy ngắn nuôi dài, sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sản xuất nước ép từ trái thanh long cũng như các sản phẩm chế biến từ hạt và vỏ thanh long như phân bón hữu cơ, tinh dầu…”.
Anh Trần Quốc Trọng
Ông Vũ Tiết Sơn – đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia ở phía Nam thì cho rằng, việc chế biến sâu trái cây sau thu hoạch là nhu cầu tất yếu. Trong thực tế, đã có nhiều cơ sở đầu tư chế biến trái cây thành rượu, nước cốt trái cây… tuy nhiên, do công nghệ sản xuất chưa hợp lý nên các dự án hầu hết đều thất bại nhanh chóng sau ngày khai trương.