Thế nhưng, lại xuất hiện điệp khúc: “Giá tăng, thiếu cá bán”. Còn ngược lại, khi nguồn cung từ người nuôi cá đã tăng, thì lại “cá thừa, giá hạ”. Đó là hai điệp khúc thường lặp lại không chỉ với người nuôi cá tra, nhưng người nuôi cá lại thường xuyên phải gánh chịu cái “điệp khúc” này nhất.
Sau đận cá tra, cá basa bị kiện ở Mỹ, con cá tra kiên nhẫn và mạnh mẽ của Việt Nam không vì thế mà chùn bước. Việc xuất khẩu cá tra, cá basa vẫn tiếp tục được đẩy mạnh do thị trường được mở rộng với nhiều khách hàng mới. Nhưng, lẽ ra Nhà nước cần có chính sách trợ giúp “bên ngoài Luật WTO” để con cá tra Việt Nam tạo được vị thế chắc chắn và mạnh mẽ hơn nữa trên thương trường thế giới, thì ngược lại, khi Mỹ hết làm khó, con cá tra lại bị chính những khó khăn của người nuôi làm khó.
Dĩ nhiên, không người nuôi cá tra nào muốn “làm khó” con cá yêu quý của mình, nhưng giá thức ăn, giá xăng dầu tăng vọt, cộng thêm nhiều khoản tăng khác đã ảnh hưởng dữ dội tới họ. Trong khi đó, không một tổ chức nào dự báo cho họ biết giá cá tra sẽ tăng hay có triển vọng sẽ tăng.
Vì thế, nhiều hộ nuôi cá tra đã phải thu hẹp diện tích nuôi, giảm hẳn số lượng nuôi vì sợ hụt vốn. Nhiều hộ nuôi cá khác thì nợ nần chồng chất do giá cá tra mấy năm trước quá rẻ, do quá lo sợ phá sản mà họ không dám nuôi nữa.
Khi xảy tới sự khủng hoảng thiếu cá tra thương phẩm trên thị trường thế giới, và cũng do một số nguyên nhân như thiên tai, động đất… khiến con cá tra đột nhiên có giá hẳn. Chừng đó, người nuôi cá tra lại đau buồn do không có cá nguyên liệu mà bán, các doanh nghiệp thu mua và chế biến cá tra cũng xót xa vì bỏ lỡ cơ hội bằng vàng để kiếm lời từ con cá tra Việt Nam xuất khẩu.
Chính việc không tổ chức được sản xuất bền vững đã luôn dẫn tới tình trạng dở khóc, dở mếu như thế. Và cũng bởi chúng ta thiếu hẳn một hay nhiều tổ chức dự báo giá cả và mặt hàng xuất khẩu tạo được niềm tin cho người sản xuất, nên nhiều khi người sản xuất cứ “nhắm mắt nuôi cá, nhắm mắt sản xuất”, còn sản phẩm có bán được hay không, có lời bao nhiêu thì họ hoàn toàn không biết được.
Dự báo giá cả trên thị trường quốc tế là một việc lẽ ra đã phải làm và làm có kết quả từ nhiều năm nay, khi những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta phần lớn là thuộc hàng nông, thủy sản có độ nhạy cảm cao, mà chỉ “sai một ly” trong dự báo giá cả là lập tức đã “đi nhiều dặm” về thua lỗ mất rồi!
Việc thành lập những tổ chức dự báo giá cả và các mặt hàng Việt Nam có tham gia xuất khẩu trên thị trường thế giới không những cần nhanh chóng được thành lập, mà còn phải nhanh chóng hoạt động một cách có hiệu quả và tạo được độ tin cậy cao cho những người sản xuất.
Thanh Thảo