Dân Việt

Ưu đãi cao cho doanh nghiệp đầu tư tam nông

Hải Phong 18/06/2014 09:10 GMT+7
“Nên bổ sung một điều khoản để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo hành lang pháp lý để có chính sách ưu đãi cao cho DN đầu tư vào những vùng khó khăn, miền núi và hải đảo” - một số đại biểu Quốc hội đề nghị như vậy trong phiên thảo luận về Dự án Luật DN (sửa đổi) ngày 17.6.

Cần cụ thể hóa ngành nghề bị cấm kinh doanh

Một trong những nội dung còn gây nhiều tranh cãi là việc quy định các ngành nghề thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh. Về vấn đề này, đại biểu (ĐB) tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị loại bỏ khỏi danh mục cấm kinh doanh một số ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ như: Kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha mẹ con nuôi, con nuôi có yếu tố người nước ngoài. Bên cạnh đó, ĐB Đồng cũng đề xuất: “Đầu tư trong lĩnh vực thám tử, điều tra đang là nhu cầu thực sự trong dân sự, cơ bản không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, an toàn tính mạng, sức khỏe của con người cũng như an ninh quốc gia. Các hoạt động này cũng không gây phương hại đến lợi ích cá nhân, cộng đồng... Do đó đề nghị bỏ khỏi danh mục cấm kinh doanh, và nên bổ sung vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế kinh doanh”.

Cũng liên quan tới nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, bước đột phá của dự luật là góp phần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc thành lập và kinh doanh của DN. “DN được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo đúng tinh thần Điều 31 của Hiến pháp. Do đó, luật cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo”- ông Ngân nói.

Quan tâm nhiều đến doanh nghiệp nông thôn

Thảo luận về vấn đề tam nông được đề cập trong dự thảo luật, ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nhận định: DN và phát triển DN ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng, vì từ đó sẽ bố trí lại cơ cấu lao động, đào tạo nghề gắn với việc làm, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do những điều kiện chưa thuận lợi, việc DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ- số 192 ngày 5.6.2014 về thực hiện chính sách, pháp luật trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì số DN trong nông nghiệp, nông thôn phát triển rất chậm, hiện mới chiếm khoảng 1,6% tổng số DN trong cả nước. Năng lực cạnh tranh yếu, thiếu liên kết bền vững với nông dân. Một số làm ăn thua lỗ, chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này. “Nên bổ sung một khoản vào Điều 8 hoặc có riêng một điều để khuyến khích các DN trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo hành lang pháp lý để có chính sách ưu đãi cao cho DN đầu tư vào những vùng khó khăn, miền núi và hải đảo”- ông Bình đề nghị.

Trong khi đó, đánh giá về Điều 11 với việc lần đầu tiên đưa khái niệm DN xã hội vào luật, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đánh giá: Nhìn rộng hơn là nội hàm của DN xã hội, ngoài an sinh xã hội, môi trường còn phải là những vấn đề xã hội hết sức quan tâm. Đó là địa bàn rộng lớn của nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà chúng ta hết sức quan tâm ở lĩnh vực này, phải có trách nhiệm đối với "đầu vào" của sản xuất, "đầu ra" của sản phẩm chế biến, nhất là những vùng sâu, vùng xa. Những DN này ngoài lợi nhuận đầu tư trên 50% cho những hoạt động về xã hội, chủ DN đó tâm huyết đối với người nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nhất là gắn với nông thôn mới... Do đó, ĐB Sơn đề nghị khái niệm DN xã hội mở rộng thêm ngoài yếu tố lợi nhuận, còn phải có trách nhiệm với những vấn đề lớn của nông thôn nông nghiệp và những vùng khó khăn. “Chúng tôi đề nghị nên bổ sung thêm quyền, nghĩa vụ và chính sách ưu đãi một cách rõ ràng hơn để khuyến khích các DN xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực tam nông”- ông Sơn nhấn mạnh.

Ngăn ngừa các hành vi xúc phạm công nhân
Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), việc quy định cụ thể và bổ sung một số quy định mới nghĩa vụ của DN như trong dự thảo luật sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. “Thời gian qua, nhiều DN còn có hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người lao động, dưới các hình thức trừ lương công nhân khi đi vệ sinh, không đội mũ theo quy định... để họ sử dụng triệt để thời gian của người lao động. Có người quản lý dính keo vào tay công nhân khi phát hiện sản phẩm bị lỗi hoặc cho công nhân nghỉ việc khi mang thai; hay có chủ DN bắt công nhân học thuộc lòng câu nói ở nhà có bố mẹ, đến công ty phải coi người quản lý là bố mẹ” - ĐB Tuấn bức xúc phản ánh.
K.M