Bưởi da xanh ở chợ, ở siêu thị bây giờ toàn hột ơi là hột. Như thế là “làm nhục” bưởi da xanh, vì có thể nói, nó là “đại biểu” của bưởi Việt Nam trên thế giới.
Người đang giữ cho bưởi da xanh không hột – đúng bản sắc của giống bưởi này là ông Lê Văn Hoa, ở Chợ Lách, Bến Tre. Ông làm những chiếc lồng lưới hình thoi nhốt những chùm hoa bưởi để ong không thể hút mật và đóng vai “ông tơ bà nguyệt” gây thụ phấn chéo.
Kiểu “bỏ tù” hoa bưởi này được việc cho ông Hoa lại buồn cho mấy nhà thơ chuyên trị thơ về hoa bưởi. Cũng nhờ sáng kiến này, mà ông được mời sang tận Indonesia hướng dẫn trồng bưởi hồi đầu năm nay.
Ảnh minh họa.
Bưởi da xanh nằm trong danh sách những giống bưởi tiêu biểu cho các nước Đông Nam Á, cùng với bưởi mật ở Bình Hoà, Trung Quốc, bưởi tambun white của Malaysia, xiêm đường của Thái và magallanes của Philippines.
Theo Mạng lưới trái cây nhiệt đới (TFNet), cơ quan độc lập dưới sự bảo trợ của FAO, bưởi da xanh có độ ngọt nước ép 11 – 12 độ brix (một độ brix bằng 1g đường trong 100g dung dịch).
Theo ông Đặng Văn Rô, người được cục Sở hữu trí tuệ – bộ Khoa học và công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu BR99 đầu tiên của Bến Tre vào năm 2004 (nay là công ty TNHH SX-TM-DV Ba Rô), trái bưởi da xanh có nguồn gốc ấp Thanh Sơn, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc có vị thanh, không hột, nước vừa phải, múi nhỏ, bóng đỏ hồng màu hột lựu, ráo hoảnh, dễ lột…
Cũng có người nói bưởi Thanh Trà có lá giống bưởi da xanh, nhưng ruột hoàn toàn khác. Trái bưởi da xanh khi chín vỏ áo một lớp phấn trắng, trái chín – cầm nặng tay.