Dân Việt

Người Việt siêu giàu ghi dấu ấn quốc tế bằng cách nào?

19/06/2014 07:09 GMT+7
Giàu có, thành công, nhưng không phải người giàu Việt nào cũng nổi tiếng trên thế giới. Chỉ có một số ít doanh nhân vừa làm "ông hoàng" trên sân nhà, vừa làm "nhà vua" ở xứ người.

img

Khởi nghiệp tại Ukraina khi tốt nghiệp đại học, doanh nhân Phạm Nhật Vượng được biết đến khi thành công với thương hiệu mì gói Mivina nổi tiếng một thời tại quốc gia Đông Âu. Trở về Việt Nam sau thời gian dài lập nghiệp nơi xứ người, ông đầu tư vào ngành bất động sản và nhanh chóng nổi tiếng với những công trình nổi bật nhất Việt Nam như tháp Vincom, Royal City hay Times City. Ông được biết đến nhiều trên thế giới với danh hiệu tỷ phú Việt đầu tiên và duy nhất (cho đến nay) trong danh sách của Forbes.

img

Nổi lên là một doanh nhân ngành bất động sản, cái tên Đoàn Nguyên Đức bất ngờ phủ sóng báo giới Việt Nam và khu vực vào năm 2002 khi chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố mời Kiatisuk, ngôi sao bóng đá của Thái Lan, sang thi đấu tại Việt Nam. Mở đầu với câu hỏi của báo chí Thái Lan “Hoàng Anh là ai, Gia Lai ở đâu?”, cái tên bầu Đức đã trở nên quen thuộc trên nhiều kênh truyền thông. Từ khu vực, ông chủ HAGL vươn ra quốc tế với kế hoạch mua cổ phần của Arsenal, lập học viện bóng đá. Chính bầu Đức đã tiết lộ, việc nổi tiếng của mình và công ty là kết quả của một chiến lược đánh tên tuổi với bóng đá, bởi “bóng đá là cách nhanh nhất để được biết tới".

img

Không chỉ với báo chí Việt Nam, mà với cả Forbes, Bloomberg, cái tên phù hợp nhất với doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ phải là "vua cà phê" hay "có danh xưng của một ông hoàng". Xuất khẩu cà phê tới 60 quốc gia, tiến sâu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là người đối đầu mạnh mẽ nhất với ông lớn cà phê thế giới ở thị trường nội. Ngoài tài sản lớn (khoảng 100 triệu USD), doanh nhân này còn nổi tiếng vì tư tưởng mang hoài bão lớn về một Việt Nam hùng mạnh, với phát ngôn nổi tiếng: "Đất nước không thể mạnh nếu thiếu những cá nhân giàu có".

img

Ở tuổi gần 80, nữ đại gia Bình Định Trần Thị Hường có một sự nghiệp đáng nể khi bà vừa điều hành công ty bất động sản, cố vấn HĐQT ngân hàng, sở hữu khối tài sản có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD và là chủ của khu resort Diamond Bay. Dù được đồn đoán là người thuộc top giàu nhất Việt Nam, nhưng tên tuổi của bà Hường chỉ vượt ra khỏi biên giới Việt Nam khi nữ doanh nhân này đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới về Việt Nam vào năm 2008.

img

Chiếm thị phần lớn tại Việt Nam với sản phẩm tôn lạnh, là một trong những doanh nghiệp đầu ngành và ông chủ luôn đứng trong top giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, thế nhưng, Tôn Hoa Sen và cả doanh nhân Lê Phước Vũ chỉ nổi tiếng với giới truyền thông thế giới khi câu chuyện với Nick Vujicic xuất hiện. Bỏ ra 1,5 triệu USD mời người không chân tay nổi tiếng nhất thế giới về Việt Nam truyền cảm hứng không chỉ một lần, ông Lê Phước Vũ đã bất ngờ đưa mình và cả cái tên Tôn Hoa Sen ra ngoài biên giới quốc gia.

img

Tháp tài chính Bitexco do tập đoàn này xây dựng mang lại tên tuổi cho ông chủ của nó, doanh nhân Vũ Quang Hội. Đến khi tòa nhà hình búp sen này được vào danh sách top 5 công trình chọc trời ấn tượng nhất thế giới do CNN bình chọn, ông Hội được biết đến như một trong những người siêu giàu kín tiếng nhất Việt Nam. Từ ông chủ một tổ hợp sản xuất nhỏ trong ngành dệt những năm cuối thập niên 80, đến sản xuất nước khoáng đóng chai và trở thành nhà phát triển bất động sản cao cấp, doanh nhân người Thái Bình này được truyền thông quốc tế đặt biệt danh là "người xây biểu tượng".

img

Nổi tiếng trong ngành ngân hàng, kinh doanh siêu thị, bà Nguyễn Thị Nga hiện là Chủ tịch tập đoàn BRG, một trong những tập đoàn tư nhân hoạt động đa nghề rất thành công tại Việt Nam. Năm 2012, tên tuổi của nữ doanh nhân này được báo giới trong và ngoài nước săn đón sau vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo của tập đoàn BRG.