Sáng 16.6, có mặt ở một số cửa hàng bán sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phần lớn đều đã giảm giá. Chị Hiền, chủ một đại lý cho biết, cả 25 mặt hàng nằm trong danh mục áp trần bắt buộc tại cửa hàng chị đều đã giảm giá. Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm không ở trong danh mục nhưng cũng đã giảm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng tại hệ thống các siêu thị lớn Ocean Mart, BigC, Co.op Mart… khi giá bán mới một số mặt hàng sữa của các hãng Nestle, Abbott, Mead Johnson… với mức giảm từ vài chục nghìn tới gần 200 nghìn mỗi sản phẩm.
Từ phía người tiêu dùng, phản hồi cũng khá tích cực khi nhiều người mua được sữa giảm giá trước thời hạn bắt buộc. Chị Phương Hồng, một khách hàng mua sữa cho biết, cách đây một tuần, khi mua sữa Nan3 Pro loại 900g ở đại lý Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), chị đã được giảm từ 415 nghìn đồng/hộp trước đó xuống còn 390 nghìn đồng/hộp. Như vậy, mỗi hộp sữa đã giảm thêm 25 nghìn đồng. Nhà có hai em bé, mỗi tháng dùng hết khoảng 10 hộp sữa, việc giảm giá đã giúp chị tiết kiệm được hơn 250 nghìn đồng/tháng. “Số tiền giảm nếu nói quá lớn thì không hẳn, nhưng nó tạo được tâm lý yên tâm, tin tưởng của xã hội, nên tôi rất đồng tình với biện pháp quản lý giá mà Bộ Tài chính đưa ra”, chị Phương Hồng vui vẻ tâm sự.
Giá sữa giảm sẽ bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như người tiêu dùng chỉ có thể so sánh ngang bằng giữa giá cũ với giá mới, mà không thể kiểm soát được mức giảm đã hợp lý và đúng quy định hay chưa. Trở lại với trường hợp mua được sữa giảm giá của chị Phương Hồng, nếu tính đúng theo giá trần của Bộ Tài chính, thì mức giảm của đại lý là chưa đúng quy định. Cụ thể, mức trần áp cho dòng sữa Nan Pro3 loại 900g là 334 nghìn đồng/hộp với giá bán buôn, thì giá bán lẻ sẽ cộng thêm mức cao nhất là 15%, tức giá bán cao nhất đến tay người tiêu dùng sẽ là 384 nghìn đồng/hộp, thấp hơn 6 nghìn so với giá mà đại lý đang bán.
Cũng phải nói thêm rằng, mức 384 nghìn/hộp là mức cao nhất được phép bán, trong đó kể cả chi phí vận chuyển đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Còn với Hà Nội, chi phí vận chuyển được giảm đáng kể, thì mức giá bán cần phải giảm sâu hơn nữa. Như vậy, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là chỉ cần giảm giá, ngay cả việc giảm bao nhiêu, các doanh nghiệp (DN) cũng rất dễ “làm xiếc” với người tiêu dùng và cơ quan quản lý.
Tại “phố sữa” Hàng Buồm, nhiều chủ đại lý cho biết, giá sữa bán lẻ cứ từ giá bán buôn rồi cộng thêm 15% nữa. Tuy nhiên, điều đáng nói là các cửa hàng từ trước giờ vẫn ghi giá từng sản phẩm, chứ không công bố hay niêm yết giá bán buôn, nên người tiêu dùng sẽ không biết đường nào mà lần. Đây cũng chính là thực tế lý giải tại sao cùng một sản phẩm sữa, nhưng tùy vào vị trí, tùy vào từng cửa hàng, sẽ có các mức giá khác nhau, và khách hàng sẽ bị “ru ngủ” bằng cụm từ giảm giá, mà không biết rằng, quyền lợi của mình đang bị các DN và đại lý xâm hại.
Ngoài 25 mặt hàng trong danh mục giảm giá, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố danh sách 141 mặt hàng khác được các DN đăng ký giảm. Song, nhiều dẫn chứng cũng dẫn ra giá bán lẻ mặt hàng sữa sẽ khó giảm mạnh. Ví dụ, mức giá bán buôn được các công ty đăng ký thấp hơn so với mặt bằng chung khi chưa có giá trần từ 100.000-120.000 đồng/hộp.
Chẳng hạn Grow G-Power Vanilla 900g có giá bán buôn do DN công bố là 360.000 đồng/hộp. Sữa Similac Gain Plus IQ 900g có giá bán buôn là 405.000 đồng. Làm phép tính đơn giản cộng thêm 15% vào giá thành bán buôn, mức giá bán lẻ của 2 hộp sữa Grow G-Power Vanilla 900g, Sữa Similac Gain Plus IQ 900g lần lượt là: 415.000 đồng/hộp và 466.000 đồng/hộp. Thế nhưng, hiện nay ngoài thị trường, 2 loại sữa này đang có giá 425.000 đồng/hộp và 470.000 đồng/hộp.
Một vài người trong cuộc còn vạch trần “mẹo” của DN sữa đối phó với cách thức áp giá trần, đó là lấy giá bán lẻ hiện tại trừ đi 15% rồi đăng ký mức giá bán buôn với Bộ Tài chính. Như vậy, bảng giá nhìn thì có vẻ giảm, nhưng khi bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì lại cộng ngược thêm 15% vào, giá lại trở về như cũ; DN không bao giờ chịu lỗ, và người tiêu dùng khó mà được lợi như kỳ vọng.
Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Tài chính, giá sữa nguyên liệu thế giới đang giảm. Cụ thể, tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy giảm 3,13%-3,84% xuống mức 3.875-4.375 USD/tấn; giá sữa nguyên kem phổ biến ở mức 4.650-5.100 USD/tấn, giảm khoảng 0,53%-1,92%. Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy ở mức 3.825-4.500 USD/tấn, giảm 7,27%-10%; giá sữa nguyên kem giảm khoảng 1,92%-3,82%.
Như vậy, nếu so sánh với các chi phí mà DN phải bỏ ra, thì giá trần tuy mới áp dụng nhưng đã sớm trở nên “thiếu tính thời sự”. Giá đầu vào giảm cộng với “mẹo” giảm giá cầm chừng, đối phó, DN sữa không những không lỗ mà còn lãi lớn. Đấy là chưa kể, hiện nay, thị trường sữa có đến 800 mặt hàng sữa nhưng chỉ áp trần bán buôn bắt buộc với 25 sản phẩm sữa. Hơn nữa, thị trường sữa cũng có hàng trăm đại lý kinh doanh và hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ bán lẻ. Kiểm soát giá bán lẻ như thế nào để luôn đảm bảo mức giá bán lẻ không được phép cao hơn 15% so với giá bán buôn là cả một vấn đề khó, khi mà người tiêu dùng không thể tự so sánh. Nếu như cơ chế kiểm soát, thanh tra không sát sao thì e là việc áp trần cũng chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bình ổn giá sữa. Theo đó, TP yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý giá sữa; minh bạch thị trường, minh bạch giá bán các sản phẩm sữa, giá bán các sản phẩm sữa đang lưu thông trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. TP sẽ siết chặt quản lý giá bán buôn tối đa đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất sữa, nhập khẩu sữa có trụ sở chính trên địa bàn. TP chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tập trung bình ổn giá sữa, không được chậm trễ. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn sắp xếp nhân lực rà soát việc kê khai giá sữa theo quy định hiện hành.