Theo đánh giá của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược, CTCK MB (MBS), triển vọng kinh doanh của hầu hết DN niêm yết trong năm 2014 sẽ có chiều hướng khả quan hơn năm ngoái. Thống kê sơ bộ cho thấy, 75% DN trên sàn dự kiến lợi nhuận sẽ tăng trưởng so với năm 2014 và điều này hoàn toàn khả thi. Môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn với tổng cầu ổn định theo hướng tăng dần, mặt bằng lãi suất hạ và các thị trường tài sản như bất động sản và chứng khoán tiếp tục cho thấy tín hiệu lạc quan sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các DN.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng kết quả kinh doanh của DN niêm yết khả quan hơn trong quý II
Đánh giá về khối DN có khả năng đạt lợi nhuận khả quan trong 6 tháng đầu năm, ông Sơn cho biết, những đơn vị thuộc nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, sản xuất săm lốp và hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2014 và 6 tháng đầu năm nay. Những DN đầu ngành được dự báo có khả năng đạt được lợi nhuận cao trong nửa đầu năm như GAS, VIC, VNM, DPM, PPC, HPG, PVD, FPT... sẽ tiếp tục lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Nhận định về khối DN có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II và trong 6 tháng đầu năm, ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS dự báo, đó sẽ là những cổ phiếu thuộc ngành dệt may, dịch vụ và kỹ thuật dầu khí, săm lốp và một số CTCK. Cũng theo ông Hiển, thị trường bất động sản có phần khởi sắc hơn từ đầu năm 2014 cũng là yếu tố giúp các DN kinh doanh vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng có thể đạt được hiệu quả kinh doanh ổn định trong quý I/2014 và tiếp tục tăng tốc trong quý II. Nhiều cổ phiếu ngành xây dựng đã đạt được bước tăng trưởng “đột biến” trong tháng 5 như CTCP Hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV); CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) hay CTCP Vinaconex 1 (VC1) với mức tăng trên 20% so với cùng kỳ.
Tính đến tháng 6/2014, dù còn thận trọng, nhưng hầu hết lãnh đạo DN khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đều khẳng định, công ty đã có có nhiều cải thiện trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, nổi bật vẫn là những DN có yếu tố cơ bản tốt thuộc các ngành kinh doanh cốt yếu của nền kinh tế hoặc được hưởng những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như dầu khí, hàng tiêu dùng, điện... Đây cũng là những ngành được thị trường dự báo lợi nhuận quý II sẽ có sự tăng trưởng ổn định.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích CTCK FPTS cho rằng, hiện nhóm cổ phiếu đầu cơ sau chuỗi tăng khá ấn tượng trong thời gian qua đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại và phân hóa mạnh. Trong khi nhóm cổ phiếu cơ bản và cổ phiếu có vốn hóa lớn chưa cho thấy sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với dòng tiền và sự quan tâm đang chuyển sang nhóm DN có chu kỳ đột biến lợi nhuận trong quý II. Nhìn vào diễn biến giao dịch trên hai sàn, ông Giang cho rằng, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đang giao dịch tại các vùng kháng cự mạnh. Nhóm cổ phiếu blue-chip vẫn còn trong trạng thái tích lũy và chưa tăng mạnh so với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Do đó, khả năng dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu blue-chip sau quý II là khá cao.
Nhận định chung của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư là kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, mặc dù quá trình này còn diễn ra chậm và TTCK hiện chưa có những yếu tố đột biến hỗ trợ. Do vậy, hiệu quả kinh doanh của DN là một trong những yếu tố trọng yếu để nhà đầu tư lấy làm căn cứ xuống tiền.
Những DN đầu ngành thuộc các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất săm lốp, dược phẩm, vui chơi giải trí vẫn đang có sự cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh và sức khỏe tài chính nhờ tiêu thụ sản phẩm tốt và mặt bằng lãi suất hạ mạnh. Tuy nhiên, ngay trong mỗi ngành, kết quả kinh doanh, sức khỏe tài chính của từng DN cũng có sự phân hóa mạnh. Vậy nên, điều quan trọng là nhà đầu tư cần chọn cổ phiếu, chứ không chỉ là chọn ngành đầu tư.