Dân Việt

Trung tâm trải nghiệm hàng Việt: Bao giờ?

19/06/2014 07:56 GMT+7
Những số liệu mới nhất cho thấy một bức tranh tương đối khả quan về mức độ phủ sóng cùng sự chắc chân của hàng hóa sản xuất trong nước. Không những vậy mức độ tin dùng cũng theo đó mà tăng lên.
Theo các chuyên gia, để cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập, nhiều doanh nghiệp trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Đặc biệt, có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.
img
Tuy nhiên, để làm được ngần ấy việc, để người tiêu dùng có dịp thể hiện lòng yêu nước thông qua việc dùng hàng nội vẫn còn đòi hỏi nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp. Ấy là chưa kể đến việc có được nguồn tài chính để biến ước mong hàng nội đến được với người Việt mà lắm khi lại là “lực bất tòng tâm”.
Gần đây, một hãng điện tử có tiếng của châu Á và thế giới mới khai trương tại Việt Nam một trung tâm trải nghiệm khách hàng. Nói “trải nghiệm” cho sang trọng nhưng thực sự ở đây khách hàng bằng việc cảm nhận triết lý không chỉ hướng tới người tiêu dùng cuối cùng mà cả người tiêu dùng giữa, tức các doanh nghiệp. Để từ đó tin và dùng sản phẩm và các giải pháp do hãng cung cấp. Vẫn lại là “trăm nghe không bằng một thấy”.

Trở lại với câu chuyện người Việt tin dùng hàng nội. Rõ ràng việc cổ vũ tuyên truyền cho hàng Việt là câu chuyện mang ý nghĩa cả trước mắt lẫn dài lâu, thế nhưng nó vẫn rất cần những giải pháp cụ thể mà lắm khi không phải là chuyện tiền nong. Việc xây dựng và cho ra mắt những trung tâm trải nghiệm hàng Việt, theo các chuyên gia có thể là một giải pháp như vậy. Những siêu thị ngành dệt may là một nỗ lực theo hướng này khi mà người tiêu dùng có dịp tiếp cận với những sản phẩm may chất lượng cao trong nước.

Trung tâm trải nghiệm hàng Việt có thể không nhất thiết chỉ hướng tới người tiêu dùng cuối cùng. Nó còn có thể giúp một cách kinh tế và nhanh chóng tới việc củng cố và giúp hàng Việt chắc chân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa trước khi hàng ngoại, hàng nhái và và hàng giả tràn tới chiếm lĩnh thị trường.