Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói thẳng: “Luật hiện hành đã bất cập ngay từ khi ban hành do cách đặt vấn đề sai. Chúng ta cứ nhấn mạnh tới việc phát triển nhà ở xã hội, nhưng điều đó là cực khó khi thị trường bất động sản phát triển quá méo mó, vừa thừa lại vừa thiếu. Các dự án chung cư cao cấp thì thừa, ồ ạt đến mức bội thực, trong khi nhà ở vừa sức mua của dân thì lại thiếu trầm trọng”.
Đại biểu Lịch cũng nêu ra giải pháp khắc phục: “Trong tương lai, những vấn đề mang tính thị trường thì nên để thị trường bất động sản giải quyết, việc gì thuộc chức năng quản lý nhà nước thì Nhà nước điều hành để thực hiện cái đích quan trọng nhất là người dân có nhà ở chứ không thể khuyến khích mọi người sở hữu nhà ở, do đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho biết thêm: “Dự thảo luật lần này mới chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hạn chế mang tính tình huống, thủ tục trong luật hiện hành mà chưa quan tâm đến việc cải thiện diện mạo cho cảnh quan từ đô thị đến nông thôn. Chúng ta cần ưu tiên phát triển loại hình nhà ở chủ đạo là các khu dân cư tập trung, chung cư, hạn chế dần việc xây dựng nhà ở cá nhân, đặc biệt là nhà tự phát”.
Đánh giá quy định về phát triển nhà ở xã hội là “điểm sáng” trong dự thảo luật, song đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong thời gian qua, Luật Nhà ở hiện hành chưa quy định cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội nên một số địa phương đã vận dụng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người khó khăn có cơ hội về nhà ở nên đã xảy ra nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất, dẫn đến một số địa phương bị xử lý sai phạm.
“Phát triển nhà ở xã hội là chính sách đúng đắn, mang tính nhân văn, hướng tới các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, nhưng còn khó khăn về tài chính để mua nhà nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần tránh bao cấp tràn lan, lợi dụng chính sách để trục lợi và không làm khó các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở nhưng gặp khó khăn về tài chính”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Đóng góp các ý kiến khác xung quanh dự thảo luật này, nhiều đại biểu cho rằng, nhà công vụ không nên phục vụ số ít đối tượng, người dân còn khổ và cần được tháo gỡ nhiều khó khăn về chính sách nhà ở, viêc thế chấp nhà ở trong tương lai chưa thực sự rõ ràng, tạo nên nhiều băn khoăn, quy định khi Nhà nước trưng thu, trưng mua, quản lý nhà công vụ, cho người nước ngoài mua nhà… cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.