Dân Việt

Bi hài chuyện sinh con vùng cao

Lê San 19/06/2014 06:45 GMT+7
Xóm Khuổi Mèo có 95 hộ nhưng có tới 75 hộ, chị em đều sinh con tại nhà. Phụ trách công việc đỡ đẻ, cắt rốn cho những đứa trẻ sơ sinh là bà nội hoặc bà ngoại.

Đỡ đẻ... chỉ cần xô, chậu

Xóm Khuổi Mèo có 95 hộ nhưng có tới 75 hộ, chị em đều sinh con tại nhà. Phụ trách công việc đỡ đẻ, cắt rốn cho những đứa trẻ sơ sinh là bà nội hoặc bà ngoại.

Anh Vương Văn Sài (sinh năm 1987), là cha của 5 đứa con, đứa lớn nhất năm nay lên 10 tuổi, đứa bé nhất mới lên 1 cho biết: “Cả 5 đứa nhỏ nhà mình đều được sinh tại nhà. Bà đỡ chính là mẹ đẻ mình. Thông thường, gia đình mình chỉ cần chuẩn bị xô, chậu, nước nóng, kéo cắt rốn, mấy miếng vải, thuốc lá để tắm cho trẻ và thuốc sát khuẩn… là đỡ đẻ được ấy mà”.

Anh Sài cho biết, ngoài lý do đường xuống xã xa xôi, gập ghềnh khó đi, thì việc kiêng cữ cho bà mẹ sau khi sinh theo cách riêng của đồng bào Mông (sau khi sinh, các bà mẹ đều phải ăn các món luộc và tắm nước lá...) cũng là nguyên nhân khiến các gia đình không muốn đưa thai phụ đến các cơ sở y tế để đẻ.

Sự chủ quan, thiếu hiểu biết trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân ở đây đã khiến không ít bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong ngay trên giường đẻ. Chị La Thị Đĩa (43 tuổi), cộng tác viên dân số (CTVDS) của xã, phụ trách xóm Khuổi Mèo và cũng là người đã đỡ đẻ cho nhiều sản phụ chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, phần lớn các bà mẹ mang thai đều sinh con tại nhà. Trong 5 cháu tôi đỡ đẻ hộ thì có 1 trẻ bị chết do sản phụ khó sinh”.

Theo chị Đĩa, từ năm 2012 đến nay, Khuổi Mèo có 17 phụ nữ sinh con, nhưng chỉ có 3-4 mẹ là đi khám thai ở trạm y tế xã hoặc huyện (chủ yếu những trường hợp có gen di truyền về dị tật bẩm sinh, hoặc khó sinh). Còn lại, đa phần họ không thực hiện khám thai, kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Khi có triệu chứng đau bụng từ 2-3 ngày mà vẫn chưa sinh, họ mới chịu xuống trung tâm y tế xã, bệnh viện huyện để khám và sinh. Vì thế, rất nhiều trường hợp bị sinh non, trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh do không được phát hiện sớm…

Tránh thai bằng việc... kiêng ngủ với vợ

Do mới ở riêng nên kinh tế còn khó khăn, sau khi sinh đứa đầu, anh Nông Văn Tô đã đưa vợ xuống xã La Hiên gần nhà (xã giáp với Sảng Mộc) để đặt vòng tránh thai. Vài tháng sau đó, vợ anh vẫn mang thai và sinh thêm 1 bé gái cách đây hơn 1 năm.

Bế đứa cháu trên tay, bà Vương Thị Mỵ, 47 tuổi, mẹ anh Tô, nói xen vào: “Thế hệ chúng tôi chưa biết đến các biện pháp tránh thai, nhưng nghe nói “dùng nó” sẽ không mang thai, nhưng tại sao các con tôi vẫn mang thai và sinh con!?”

Thấy đặt vòng không hiệu quả, vợ chồng anh Tô đành áp dụng biện pháp tránh thai là “kiêng” ngủ với vợ. Biện pháp này cũng được một số đàn ông khác trong xóm áp dụng.

Theo người dân nơi đây, mặc dù ở Khuổi Mèo cũng có một nam nhân viên y tế thôn, nhưng công việc chính của anh là thông báo lịch tiêm chủng. Bởi khi có ca sinh đẻ hoặc tư vấn tránh thai…, bà con trong xóm chẳng mấy khi nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên y tế này.

Anh Phùng Văn Lành- Trưởng xóm Khuổi Mèo cho biết: Do thiếu kiến thức về KHHGĐ nên một số đàn ông trong xóm đã không đồng ý cho vợ áp dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, uống, tiêm thuốc tránh thai… vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này đã dẫn đến việc chị em sinh con ngoài ý muốn.

Cũng đã có một vài hộ “tiên tiến”, xung phong đi đặt vòng tránh thai, nhưng kết quả vẫn có thai ngoài ý muốn. Điều này lại càng khiến cho các chị em không tin tưởng vào các biện pháp tránh thai mà cán bộ y tế tuyên truyền hướng dẫn thực hiện.