Dân Việt

Người từ Pháp trở về, kè sông giữ làng

19/06/2014 10:54 GMT+7
Triêm Tây là một làng nghề truyền thống ở ven sông, với tình hình sạt lở ở đây khá nghiêm trọng ông Quốc quyết định thực hiện dự án làng du lịch sinh thái ở đây để giữ làng chứ không phải để đẹp hay để làm du lịch.

Một dự án nhiều ý nghĩa

img  Khung cảnh yên bình ở làng du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây

Một lý do khác khiến ông không chần chừ mà bắt tay vào thực hiện ngay dự án chính là bởi nhiều dân làng muốn bỏ làng về thành phố. Nhất là những người trẻ muốn ra Hội An để tìm kiếm cơ hội làm ăn. "Đó là một sự biến đổi xã hội rất nghiêm trọng. Quan điểm của tôi, làng là cái nền của xã hội Việt Nam. Phải giữ được hồn quê, nét quê”, ông Quốc chia sẻ.

Chính vì thế, ngay từ khi mới đặt chân lên đất Triêm Tây, ông Quốc đã mua lại hơn 10 ngôi nhà của những người dân muốn bỏ làng đi nơi khác. Ông còn bỏ tiền ra mua cả cây cối, vườn tược, cả bụi tre, gốc duối… nghĩa là không cho người bán phá đi cái gì cả. "Xưa đến nay, chưa ai trả tiền để giữ lại mấy cái cây đó làm gì” là điều ai cũng thắc mắc về cách làm rất lạ của ông. Nhưng ông bảo, mình muốn giữ làng thì không thể chỉ mua mấy m2 đất mà phải mua cả những cây cối bao đời nở hoa, kết trái trên mảnh đất đó.

"Triêm Tây là điểm sáng về tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Nam. Dự án của KTS Bùi Kiến Quốc đã đánh thức tiềm năng đó, làm cơ sở đòn bẩy để phát triển vùng đất này theo hướng khai thác về du lịch. Tôi vẫn nói đùa với ông Quốc là đang sắm bộ đồ mới cho cô gái quê, một diện mạo mới mà vẫn giữ được nét đẹp của vùng quê, không bị mất đi. Với địa phương, ông Quốc là người có công lớn, người kịp thời giữ được một ngôi làng có nguy cơ biến mất”, ông Dương Văn Ca, Phó Chủ tịch xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nói.

Sau khi bỏ tiền ra mua nhà, trên diện tích gần 15.000m2 được chính quyền cấp để thực hiện dự án với cam kết giữ đất, giữ làng, KTS Bùi Kiến Quốc ban đầu chưa biết phải làm cách nào để giải quyết tình trạng xói lở nghiêm trọng này.

Ông hỏi những người dân bản xứ thì được biết họ đóng cọc tre, sau đó đổ đất, đổ cát vào. Năm đầu thực hiện, bao nhiêu cát đều trôi hết, còn lại mỗi cọc. Biết là phương án bình thường không thể giải quyết được tình trạng này, nhưng ông Quốc lại không muốn đóng kè bê tông như ở sông Hồng hay Hội An, bởi sẽ làm mất đi vẻ đẹp của dòng sông.

Băn khoăn nhiều ngày, ông Quốc được một người bạn gợi ý cách làm chưa từng có tiền lệ. 200.000 bao cát, tương đương với 10.000 tấn cát đã được ông bỏ tiền, dốc sức đặt khắp bề mặt "ta-luy” ở vùng có nguy cơ sạt lở cao nhất. Ngoài ra, ở vùng nước hõm sâu ông áp dụng nguyên lý "lấy nước trị nước”, biến nơi đó thành những hồ bơi dọc theo triền sông.

Khi đã ổn định phần nền, ông cho làm một số tường xây, trồng cây phủ kín các bậc cũng là để làm mềm mại cho các bức tường. Ông nghiên cứu dùng cây sậy là cây có thể bị chìm nhưng không chết mà khi hết lụt sẽ khoẻ lại. Với bộ rễ bám đến 1,5m, cây sậy chống lũ, giữ bùn đất không bị trôi.

Ông còn mua một giống cây Lác của Liên hợp quốc về Việt Nam trồng thử đã được hơn một năm. Rễ cây sâu tới 6m, đan vào nhau tạo ra một khối bền vững, được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để nỗi lo về xói lở ven sông Thu Bồn…

Tạo cơ sở để dân tin, dân làm

KTS Bùi Kiến Quốc đã chứng minh mình có thể chống sạt lở, làng Triêm Tây vẫn đẹp như trước khi bị sạt lở. Nghĩa là, ông đã làm được bước một - giữ đất. Người dân Triêm Tây bắt đầu tin tưởng ông Quốc có thể "chế ngự được thuỷ thần”.

Hàng chục hộ đã quay trở lại ngôi làng gắn bó với mình bao đời nay. Nhưng vẫn chưa thuyết phục được hoàn toàn những người trẻ, khi họ muốn ra thành phố, nhất là Hội An để kiếm sống. Đây cũng chính là trăn trở của ông, bởi ông hiểu người giữ làng Triêm Tây không ai khác mà chính là những người dân nơi này.

"Điều mà tôi băn khoăn hiện nay là người dân có ở lại hay không? có làm homestay không? có học Tiếng Anh để đón đợi cơ hội làm du lịch không? Làn sóng bỏ quê ra thành thị là không thể ngăn cản. Thực hiện dự án làng sinh thái, tôi muốn người dân Triêm Tây có thể ở lại trên chính mảnh đất của mình làm ăn, sinh sống và giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về một ngôi làng Việt Nam điển hình.

Khách đến Hội An có thể ghé qua Triêm Tây, vì sau khi thăm phố cổ, tắm biển, may đồ, họ cần có một nơi để đến thăm mang đúng nghĩa Việt Nam. Nông thôn, làng nghề truyền thống ở Triêm Tây chính là thứ mà du khách nước ngoài muốn tìm kiếm ở Việt Nam”, ông Quốc tâm sự.

Làng du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở xứ Quảng. Tới đây, du khách bị quyến rũ bởi những ngôi nhà truyền thống với bàn thờ, giếng nước, lối đi… cho đến vườn tược, từng chiếc thuyền, luỹ tre, bờ sông… Tất cả, đều là những di sản văn hoá Việt Nam mà KTS Bùi Kiến Quốc (người 6 tuổi đã sang sống ở Pháp) muốn gìn giữ nguyên vẹn cho muôn đời sau.