Táo có thể nhân giống bằng hạt, cắm hom, chồi rễ, chiết và ghép. Nhân giống bằng hạt biến dị nhiều nên hiện chỉ dùng làm gốc ghép. Phổ biến hiện nay là phương pháp ghép mắt và ghép áp. Nên dùng táo chua làm gốc ghép. Hạt trước khi gieo nên đập loại bỏ vỏ rắn ở ngoài để mau nẩy mầm.
Thời vụ trồng: Các tỉnh phía Bắc trồng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Các tỉnh phía Nam trồng vào mùa mưa (tháng 5 - 8). Mật độ trồng 400 - 600 cây/ha với khoảng cách 5 x (4 - 5)m. Trồng táo theo hốc, hố với kích thước rộng 60 - 70cm, sâu 60 - 70cm. Bón lót cho mỗi hố 20 - 30kg phân hữu cơ hoai, có thể trộn thêm 1kg vôi bột và 0,5kg super lân. Đào hố và bón phân lót trước khi trồng 20 - 30 ngày, trồng cây trong bầu để có tỷ lệ sống cao.
Sau khi trồng tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ rác để giữ ẩm. Hàng tuần theo dõi ngắt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép. Trồng được 20 - 30 ngày có thể tưới nước phân pha loãng, mỗi tuần tưới 1 lần, trong 1 - 2 tháng đầu. Sau đó định kỳ bón thúc 1 lần bằng phân hỗn hợp NPK và DAP. Lượng phân NPK 16-16-8 bón mỗi lần từ 0,2 - 1kg tùy cây nhỏ hoặc lớn. Dùng cuốc xới đất xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây sâu 5 - 10cm, rải phân, lấp đất rồi tưới nước.
Hàng năm nên bón thêm phân hữu cơ và bồi đất vào gốc. Lượng phân khuyến cáo cho táo tuổi 1-2 là 200 - 300kg urea + 100 - 200kg kali + 300kg super lân/năm/ha. Từ tuổi 3 trở đi mỗi ha cần bón 400 - 500kg urea + 200 - 300kg kali + 400 – 500kg super lân. Lượng phân trên được chia làm 3 đợt bón. Đợt 1 sau trồng (sau đốn) từ 30 - 35 ngày, với 30 - 50kg phân chuồng hoai mục + 1/3 lượng phân hóa học/cây. Đợt 2 bón trước khi ra hoa rộ với 1/3 lượng phân khoáng trên. Đợt 3 bón khi cây vừa đẫy quả, bón toàn bộ số phân còn lại.
Cây táo rất cần nước, nếu không đủ nước quả sẽ nhỏ và chát. Trồng táo phải đốn để cho cây trẻ lại mới có năng suất và chất lượng tốt.