Từ bấy đến nay, trải qua 89 năm, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã trưởng thành, không ngừng lớn mạnh, vẫn hừng hực “lửa Thanh niên” trong ngòi bút của mình, kiên cường đường lối đấu tranh vì Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thể hiện qua các bài viết, trang báo, tạp chí. Trong đó phải kể đến là các báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản, VOV, VTV, Lao động, Thanh niên... luôn là những con chim đầu đàn của báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhân 21.6, chúng ta tìm hiểu thêm về một tờ báo của Trung ương Đảng viết bằng chữ quốc ngữ xuất bản đầu tiên ở miền Nam dưới thời Pháp thuộc. Đó là tờ "Dân chúng" đã hiên ngang đặt tòa soạn tại ngay trung tâm Sài Gòn, trở thành "cái gai" trong mắt quân thực dân xâm lược.
Thời đó, ngày 29.7.1881 Quốc hội Pháp ban hành văn bản về tự do báo chí. Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp được áp dụng văn bản này kể từ ngày 22.9.1881. Như vậy việc ấn hành sách báo ở Nam Kỳ thời đó được hoàn toàn hợp thức hóa, dù báo in bằng chữ Pháp hay chữ Việt.
Theo đó, tất cả các loại báo sẽ được phát hành mà không cần phải xin phép, cũng không phải ký quỹ nếu hội đủ điều kiện như đã ghi. Tuy nhiên theo qui định, trước khi phát hành, tờ báo phải được khai báo ở Sở Biện lý những gì có liên quan đến: tít báo, loại báo; tên họ, địa chỉ người quản lý; ghi rõ nơi in báo. Tất cả những thay đổi về những điều kiện trên đều phải được khai báo trước 5 ngày. Và quản lý tờ báo phải là người thành niên, có hưởng đủ quyền lợi dân sự, không hề mất quyền công dân bởi một hành vi phạm pháp.
Sau khi các điều kiện được thực hiện đủ như vậy thì tờ báo nào cũng được tự do phát hành trên toàn cõi xứ thuộc địa. Ngược lại, khi điều kiện chưa thoả mãn mà phát hành báo, thì luật pháp sẽ có một số hình phạt truy tố, coi là sự phạm pháp.
Ta biết Quốc hội là cơ quan làm luật. Khi luật đã ban hành, sau một thời gian xét thấy cần sửa đổi bổ sung thì chỉ có Quốc hội mới đủ tư cách làm việc ấy. Song thật là quái lạ, ngày 29.7.1881 Chính phủ Pháp đã ra sắc lệnh mang nội dung vô hiệu hóa luật này, cụ thể là thủ tiêu quyền tự do báo chí ở Nam Kỳ, trước hết là báo chí xuất bản bằng tiếng Việt!
Sắc lệnh ngày 30.12.1898 quy định:
“Tất cả những tờ báo in bằng quốc ngữ (Việt Nam), bằng Hoa ngữ, hay bằng bất cứ một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Pháp phải có sự cho phép của quan Toàn quyền sau khi Toàn quyền hội ý với ban thường trực Thượng Hội đồng Đông Dương (Section permanente du Conseil Supérieur de l’Indochine)!”.
Sắc luật giao cho viên Toàn quyền có quyền cho phép hay không cho phép, làm khó dễ hay cấm chỉ các báo chí tiếng Việt. Làm trái lại sắc luật thì tờ báo phải ra toà tiểu hình.
Điều 5 và điều 6 của sắc luật 1898 còn chứa đựng những biện pháp nhằm ngăn cấm những vụ “phỉ báng” những tờ báo Pháp chống lại chính quyền của họ. Bởi vì, họ cho rằng như vậy sẽ tạo cho những người Á Châu có những cơ hội tốt để "vùng dậy" đấu tranh. Nếu vi phạm, tuỳ trường hợp sẽ bị trừng phạt như đã ghi rõ trong điều 28, hoặc sẽ bị truy tố đúng theo điều 25 của đạo luật ngày 29.7.1881.
Chính vì sự hà khắc này mà báo giới và các nhà yêu nước liên tục đấu tranh đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận. Càng đấu tranh bọn Pháp càng đàn áp dữ dội. Chúng tịch thu báo, theo dõi, khủng bố, bắt giam… Những người làm báo đành phải co cụm, thúc thủ!
Trước tình hình căng thẳng như thế, nhằm xúc tiến việc tuyên truyền đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiên phong đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho tự do báo chí. Đảng đã dũng cảm trực diện với quân Pháp trên mặt trận văn báo (báo chí và văn học): hiên ngang xuất bản công khai tờ báo "Dân chúng" bằng tiếng Việt mà không xin phép quan Toàn quyền (chỉ báo cho họ biết đúng theo luật của Quốc hội nước Pháp). Vì thế, khi Báo ra, chính quyền thực dân buộc phải làm ngơ!
Lúc bấy giờ cuộc đấu tranh cho tự do báo chí đã dấy lên mạnh mẽ khắp 3 Kỳ, tạo được tiếng vang ở Pháp, nên thực dân không thể không nhượng bộ. Ngày 30.8.1938 chính quyền Pháp buộc phải ban hành nghị định tự do báo chí ở Nam Kỳ.
Sau khi báo Dân chúng ra đời ngày 22.7.1938, một số báo của các đoàn thể cách mạng theo đó đã tiếp tục xuất bản, không xin phép nhà cầm quyền. Đó là tờ Lao động, cơ quan của Tổng Công hội Nam Kỳ, số 1 ra ngày 29.11.1938; báo Mới, cơ quan của Đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ, số 1 ra ngày 1.5.1939.
Dân chúng là tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (nhưng xưng là: “cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương”). Người sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và viết nhiều cho Dân chúng là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Cừ.
Báo được Đảng chỉ định thường xuyên duy trì công tác ở trụ sở báo tại số 43, đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm, thành phố Hồ Chí Minh), sau chuyển đến nhà số 51E đường Colonel Grimaud (nay là đường Phạm Ngũ Lão). Các ông: Lê Văn Kiệt, Trần Văn Kiết, Bùi Văn Thủ, Dương Trí Phú, Huỳnh Văn Thanh, Hoàng Văn Cương, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Trấn… là những người viết thường xuyên, trực tiếp cho Báo.
Là tờ báo chuyên tuyên truyền lý luận đường lối quan điểm chính sách đấu tranh đòi ân xá chính trị phạm, cứu tế dân đói, nới rộng quyền tuyển cử, tự do ái hữu và nghiệp đoàn, đòi phòng thủ Đông Dương; chống trở lại Hiệp ước 1884; vạch rõ bộ mặt phản bội cách mạng của bọn Tờ-rốt-kít; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít; cổ vũ cho Mặt trận dân chủ ở các nước Tây Ban Nha, Trung Quốc…; ủng hộ Liên bang Xô Viết…; đăng công khai một số văn kiện của Đảng như “Bức thư công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho các đảng phái”; “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc”; loạt bài dài về “Lịch sử cộng sản vận động ở Đông Dương”; ca ngợi và đăng cả ảnh Marx, Engels, Lênin và các lãnh tụ Liên Xô; nhất là đăng bài viết của Hồ Chủ tịch về sự tàn bạo của bọn phát xít Nhật ở Trung Quốc…
Theo cuốn "Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 – 1945" của tác giả Nguyễn Thành cho biết, Dân chúng là tờ báo không định kỳ, từ số 1 đến số 12 là nửa hợp pháp, từ số 13 trở đi là hợp pháp. Về số lượng phát hành, Dân chúng tăng lên nhanh chóng: số 1 in 1.000 bản; số 2 và số 3 in 2.000 bản; số 4 in 3.000 bản; số 5: in 3.500 bản… Số 28, kỷ niệm lần thứ 21 Cách mạng tháng Mười Nga in 6.000 bản. Số 41, kỷ niệm lần thứ 9 ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương in 10.000 bản. Trong cuộc vận động bầu cử Hội đồng quản trị Nam Kỳ báo ra hàng ngày với số lượng 10.000 bản. Đặc biệt số Xuân 1939 báo ra 28 trang, in nhiều màu, với số lượng phát hành 15.000 bản!… Thông thường, báo dao động ở mức trên dưới 6.000 bản/ kỳ.
Từ nội dung và con số phát hành nhảy vọt của báo Dân chúng đã khiến cho chính quyền thực dân hồi ấy vô cùng lo ngại, tìm mọi cách ngăn cản, không để yên. Chúng ra tay đàn áp, khám xét, tịch thu tài liệu và bắt giam các nhân viên bộ biên tập, gồm: Trần Văn Kiết, Huỳnh Hoa Cương, Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Trấn, Lê Thiên Tứ.
Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng liền ra “Thông báo khẩn cấp” chỉ thị cho các đảng bộ tổ chức mít tinh quần chúng phản đối bọn cầm quyền đàn áp báo Dân chúng. 28 cuộc mít ting đã đồng loạt diễn ra tại nhiều nơi, quần chúng đòi thả hết các nhân viên toà soạn, đồng thời họ cũng quyên tiền được 400 đồng ủng hộ cho Báo.
Do bị địch khủng bố liên tục, những người quản lý Tòa soạn lần lượt bị bắt giam. Tờ Dân chúng đã phải trải qua 4 lần thay đổi người quản lý (từ số 1 đến số 43 là Dương Trí Phú; từ số 44 – 52 là Trần Văn Kiết; từ số 53 – 69 là Huỳnh Văn Thanh; từ số 70 – 80 là số cuối cùng do Hoàng Hoa Cương). Có lúc báo tự đình bản một thời gian (3 tuần) để củng cố. Đến ngày 30.9.1939 chiến tranh thế giới nổ ra, Đảng ta chủ trương rút vào hoạt động bí mật, tờ báo Dân chúng phải ngừng xuất bản!
Ảnh đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ và là Tổng biên tập tờ báo Dân chúng của Đảng
Dân chúng cũng là một trong những tờ báo đầu tiên trong nước được vinh dự đăng bài của Bác Hồ, là tờ báo tiếng Việt của Trung ương Đảng xuất bản đầu tiên ở miền Nam thời Pháp thuộc, xứng đáng là "người lính cầm bút" tiên phong trên mặt trận báo chí của Đảng ta trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, mở ra phong trào đấu tranh đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận xuyên suốt trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Trong suốt những năm đấu tranh kiên cường ấy, những người làm báo cách mạng chân chính đã trải qua một chặng đường đầy gian khổ, luôn đứng trên lập trường quan điểm nhân dân, chấp nhận mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Biết bao nhà báo yêu nước đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Báo chí cách mạng dưới thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình.
Ngày nay, được sự lãnh đạo và quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước; được sự yêu thương tin tưởng của nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam quyết tâm noi theo gương các thế hệ đi trước, hòan thành nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, ra sức xây dựng một nền báo chí xã hội chủ nghĩa hiện đại, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
(Tư liệu tham khảo: 120 năm báo chí Việt Nam của Hồng Chương; Địa chí văn hóa Tp. Hồ Chí Minh và một số tư liệu khác).