Dân Việt

Chiến tranh lạnh đe dọa thế giới

Ông Barry Desker - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) - vừa có bài viết nhận định rằng tình trạng căng thẳng gia tăng trên khắp thế giới, ở cả Đông và Đông Nam Á, chúng ta đang di chuyển gần hơn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Theo ông Desker, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua, phái đoàn Mỹ và Nhật Bản đã công kích Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông, trong khi đại biểu Việt Nam, Philippines và Mỹ chỉ trích tuyên bố chủ quyền mở rộng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong khi đó, các đại diện châu Âu tranh cãi với phái đoàn Nga về tác động của việc Nga sáp nhập Crimea và sự ủng hộ của Moskva với các nhóm ly khai ở Đông Ukraine. Tâm lý tại diễn đàn nhìn chung là đối đầu, đặc biệt ở các phiên thảo luận nhóm không chính thức.

Cảm giác như chiến tranh lạnh

Bầu không khí này gợi nhớ các cuộc tranh luận trong khu vực và trên thế giới hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và làm dấy lên câu hỏi: Phải chăng thế giới đang hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Trong bối cảnh đó, Singapore không phải là bên có tuyên bố chủ quyền tranh chấp và đang tìm cách mở rộng quan hệ với tất cả các nước lớn. Song, với vai trò là một trung tâm toàn cầu hóa với các lợi ích thương mại và kinh tế lớn, Singapore cần phải cảnh giác trước những diễn biến này. Giống như hầu hết người dân trên khắp thế giới, người Singapore cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể quản lí được xung đột và tránh rơi vào chiến tranh một khi tình trạng đối đầu xảy ra.

Vẫn tồn tại cảm giác sai lầm rằng các thể chế toàn cầu được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai có thể giải quyết được những xung đột này. Singapore có thể là nạn nhân của sự quá tự tin đó. Liệu có phải châu Á của năm 2014 đang đối mặt với thách thức tương tự như châu Âu của năm 1914?

Ở thời điểm đó, hầu hết các chính phủ châu Âu nghĩ rằng xung đột ở Balkan có thể được quản lý và rằng nền hòa bình giữa các cường quốc kéo dài kể từ thất bại của Napoleon vào năm 1815 sẽ tiếp diễn. Thậm chí, ngay cả khi chiến tranh nổ ra sau vụ ám sát Hoàng Thái tử Áo-Hung ở Sarajevo, các chính phủ chỉ trông đợi một cuộc chiến chớp nhoáng.

Hội tụ chiến lược Nga- Trung

Không ai nghĩ rằng bốn năm sau đó họ sẽ phải chứng kiến chiến tranh hầm hào, nơi hàng nghìn người chết chỉ để bảo vệ hoặc chiếm giữ những vùng lãnh thổ nhỏ bé.

Cuối năm 1918, các đế chế Nga, Đức và Áo-Hung sụp đổ, các nước chiến thắng trong phe đồng minh đối mặt với Liên Xô. Mỹ nổi lên như cường quốc ưu việt mà không bị thách thức, thậm chí ngay cả khi dư luận tại Mỹ muốn rút khỏi các cuộc xung đột bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Tây bán cầu.

Cách mạng Nga năm 1917 cũng tác động đến giới trí thức và lao động trên toàn thế giới về sức mạnh của một ý tưởng, của niềm tin rằng cách mạng vô sản đại diện cho làn sóng của tương lai, với chiến thắng ở Trung Quốc năm 1949 dẫn đến sự nổi lên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự trỗi dậy ngày nay của Trung Quốc là thành quả của hơn 30 thập kỷ tăng trưởng kinh tế.

Dù Trung Quốc nỗ lực khẳng định không mong muốn thực hiện bá quyền và chỉ tìm kiếm sự trỗi dậy hòa bình, song sự chuyển đổi quyền lực thường dẫn đến hệ quả xung đột giữa cường quốc chủ đạo và cường quốc đang nổi.

Việc kết thúc thành công các cuộc đàm phán phân định ranh giới giữa Nga và Trung Quốc, các kết nối thương mại, năng lượng và đầu tư gia tăng giữa hai nước và nhận thức chung rằng cả hai đang bị một phương Tây hồi sinh nhắm mục tiêu đã dẫn đến mối liên kết ngày càng khăng khít giữa hai cường quốc này.

Điều này xảy ra ngay cả khi các kết nối kinh tế quan trọng của Trung Quốc giờ đây gắn với phương Tây và các nước láng giềng của nó cũng có liên kết mạnh mẽ với phương Tây.

Biển Hoa Đông- mối đe dọa lớn nhất

Mối đe dọa lớn nhất đang được tạo ra bởi tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nó nằm trong một tranh chấp lớn hơn liên quan đến việc Nhật Bản không tỏ ra ăn năn về vai trò của mình trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cũng có nguy cơ nổ ra xung đột lớn tại đây do Mỹ tuyên bố ủng hộ đối tác liên minh Nhật Bản. Sự gắn kết kinh tế mạnh mẽ không làm giảm các mối nguy được tạo ra bởi cạnh tranh an ninh ngày một gia tăng này.

Bầu không khí hiện nay gợi nhớ các cuộc tranh luận trong khu vực và trên thế giới hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và làm dấy lên câu hỏi: Phải chăng thế giới đang hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Trong khi đó, mọi quyết định đơn phương thực hiện quyền tài phán của Trung Quốc liên quan đến tuyên bố chủ quyền mở rộng ở Biển Đông phần lớn chỉ bị thách thức bởi các quốc gia Đông Nam Á tương đối yếu hơn.

Trong khi ASEAN kêu gọi sớm kết thúc Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), các bên tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, đang thay đổi hiện trạng ở thực địa bằng cách chiếm các đảo, cải tạo bãi san hô, và hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền nước khác. Singapore không có lợi ích trực tiếp trong những tuyên bố chủ quyền này.

Song, do Singapore là một trung tâm hàng hải và hàng không, nên tự do hàng hải và hàng không có ý nghĩa quan trọng đối với nước này. Lợi ích của Singapore nằm ở việc ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp này thông qua các tòa án pháp lý quốc tế, như Malaysia và Singapore từng làm trong trường hợp đảo Pedra Branca.