Với nhu cầu sử dụng 20% quỹ lương thực thế giới, trong khi đất nông nghiệp của Trung Quốc chỉ chiếm 9% trong tổng số đất nông nghiệp toàn cầu, Trung Quốc đang điên đầu với bài toán giải quyết “miệng ăn” cho 1,4 tỷ dân trong tương lai.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã từng bước khắc phục sự thiếu hụt này, bằng việc khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, đến nay, dân số Trung Quốc đã thực sự bùng nổ và tiếp tục tăng, nguồn tài nguyên cạn kiệt, Trung Quốc đứng trước nguy cơ phát triển không bền vững.
Dưới áp lực về lương thực, Trung Quốc đã phải hướng ra ngoài để thuê đất nông nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp nông nghiệp xuất ngoại. Thực tế cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã cổ vũ cho các doanh nghiệp ra nước ngoài thuê mua đất nông nghiệp, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đặc biệt khuyến khích các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty dầu mỏ thuê đất đai ở nước ngoài.
Chỉ riêng trong năm 2013, Trung Quốc đã chi hơn 12 tỷ USD cho mục đích này. Cũng trong năm này, Viện Quốc tế về Phát triển bền vững có trụ sở tại Canada khẳng định Trung Quốc có 54 dự án nông nghiệp ở nước ngoài với tổng diện tích khoảng 4,8 triệu ha.
Đài Tiếng nói nước Nga nhận định, đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã dựa vào chiến lược "nhập khẩu vừa phải" các loại cây trồng và mua lại đất nông nghiệp ở các nước khác nhau.
Trung Quốc thuê đất nông nghiệp tại Australia, châu Đại Dương, Nam Mỹ và ở nước Nga láng giềng. Bây giờ Bắc Kinh đang thay đổi định hướng. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã mua những kho thóc tại Argentina, các nhà máy đường ở Brazil, các nhà máy xay bột ở các nước Trung Âu và các nhà máy chế biến hạt hướng dương ở Nam Phi và Ukraine.
Đài Tiếng nói nước Nga cũng bình luận rằng, con đường của Trung Quốc tới an ninh lương thực sẽ không dễ dàng bởi “thế giới nông nghiệp” được phân chia từ lâu. Thực tế, 3 công ty Mỹ ADM, Bunge, Cargill và công ty Pháp “Louis Dreyfus Holding” đang kiểm soát gần 70% thị trường ngũ cốc thế giới. Nhật Bản cũng vượt trước Trung Quốc trong lĩnh vực này khi năm 2007, Công ty “Mitsui & Co” đã thành lập "đế chế thực phẩm" riêng với tài sản trên năm châu lục.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm những hướng đi riêng ở những vùng đất chưa có ai chiếm thị phần.
Các chuyên gia phân tích còn nhận định, ngoài “mượn đất”, Trung Quốc còn sử dụng sách lược “mượn biển” hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế và quân sự, đặc biệt tăng thêm tự tin và khích lệ phát triển vùng duyên hải.