Đình công ngày càng tăng
Tại hội thảo, bà Lê Thị Mỹ Phượng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2010 trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 100 cuộc đình công nhưng chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra hơn 60 cuộc đình công.
Gần 2.000 công nhân Công ty Marumitsu (thuộc KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) đình công chiều 13.4. |
Theo ông Nguyễn Duy Vy - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động VN), tình hình quan hệ lao động và tranh chấp lao động tại VN ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Từ năm 1995 - 2010, cả nước xảy ra 3.620 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát của người lao động (NLĐ). Chỉ tính riêng năm 2010 đã có 424 cuộc và 3 tháng đầu năm 2011 đã có 220 cuộc đình công.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động VN, tất cả các cuộc tranh chấp lao động xảy ra đều không tuân theo các quy định của pháp luật lao động và 80% xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ vi phạm pháp luật và chính sách về tiền lương trong các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, sự tác động của giá cả sinh hoạt tăng, làm giá trị thực tế của tiền lương bị tụt giảm, thu nhập NLĐ không đảm bảo cuộc sống cũng là nguy cơ dẫn tới các cuộc tranh chấp lao động ngày càng tăng.
Việc giải quyết các mâu thuẫn này, hiện NLĐ chỉ hy vọng vào thoả ước lao động tập thể và thoả ước ngành để được giải quyết chế độ lương, thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, chất lượng thoả thuận còn quá thấp.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động VN, hiện mới chỉ có 35% số doanh nghiệp có vốn FDI và 10% số doanh nghiệp tư nhân ký thoả ước lao động tập thể. Để đòi được quyền lợi nhanh nhất, hiện NLĐ nước ta vẫn áp dụng biện pháp đình công, vì chỉ sau thời gian rất ngắn phần lớn những quyền lợi đã được đảm bảo. Kết cục, cả NLĐ và doanh nghiệp đều thiệt hại ở mức độ nhất định.
Cần có chính sách "dài hơi"
Theo ông Richard Fincher - hoà giải viên, kiêm trọng tài lao động Mỹ: "Việc phát sinh tranh chấp lao động là một hiện tượng khách quan, thông thường giải quyết tranh chấp lao động bằng con đường toà án rất phức tạp. Vì vậy, hoà giải, thương lượng trong giải quyết tranh chấp lao động là một biện pháp đơn giản và hữu hiệu được áp dụng tại Mỹ".
Theo đại diện Sở LĐTBXH Bắc Ninh, qua thực tế giải quyết các cuộc tranh chấp trên địa bàn tỉnh, NLĐ hiện không tin tưởng vào công đoàn, nhiều cuộc đình công người đứng đầu lại không phải công nhân của công ty… dẫn tới doanh nghiệp quy vào tội bạo loạn.
Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH.
Khi giải quyết tranh chấp có quá nhiều tổ chức tham gia, nhưng để đi tới kết luận cuối cùng chỉ có doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế, biên bản cam kết giữa doanh nghiệp và NLĐ sau tranh chấp sẽ phát huy hiệu quả nếu có sự tham gia hậu kiểm của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Duy Vy nhận định, đúng là tình hình giải quyết tranh chấp lao động ngoài toà án với các quy định về Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động, trọng tài lao động, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tại Bộ luật Lao động hiện hành thực sự còn nhiều bất cập.
Hiện tại, Hội đồng hoà giải với tính chuyên nghiệp thấp lại không được lập với đại diện cho cả doanh nghiệp và NLĐ nên đôi khi trở thành "xiềng xích" kìm hãm việc giải quyết tranh chấp. Mặt khác, việc đặt ra quá nhiều khâu, quá nhiều cơ quan tham gia hoà giải nhưng kết quả chỉ được quyết định chủ yếu là "thoả thuận" hai bên, nên tính pháp lý của biên bản hoà giải không cao.
Thanh Xuân